Khu công nghiệp VSIP Thái Bình có quy mô 344 ha (3,4 km2), tổng vốn đầu tư 4.932 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp này sẽ thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch đến tỉnh Thái Bình.
Nối tiếp thành công của dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình đã triển khai thêm dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình tại xã An Tân, xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy).
Khu công nghiệp VSIP Thái Bình có quy mô 3,44 km2 (rộng hơn nửa quận Hoàn Kiếm: 5,29 km2), thuộc hợp phần khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tân Trường (quy mô 4,34 km2). Dự án có tổng vốn đầu tư 4.932 tỷ đồng (tương đương 212 triệu USD) do Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - Singapore làm chủ đầu tư.
Với quy mô lớn, dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình được xem là dự án thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích lớn thứ hai trên địa bàn huyện Thái Thụy (sau khu công nghiệp Liên Hà Thái gần 6 km2 mà huyện đã cơ bản hoàn thành GPMB).
Mục tiêu của VSIP Thái Bình là thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch. Chủ đầu tư dự kiến cùng cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp, để đảm bảo không chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp này. Trong ảnh là phối cảnh dự án.
Nhà đầu tư dự kiến từ nay đến hết năm là thời gian thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thiết kế. Tuy nhiên, VSIP chưa nêu thêm thông tin chi tiết về tiến độ triển khai, thời gian vận hành khu công nghiệp này trong báo cáo ĐTM.
Nhà đầu tư dự kiến từ nay đến hết năm là thời gian thẩm định đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thiết kế. Tuy nhiên, VSIP chưa nêu thêm thông tin chi tiết về tiến độ triển khai, thời gian vận hành khu công nghiệp này trong báo cáo ĐTM.
Khu đất xây dựng VSIP Thái Bình này chủ yếu là đất nông nghiệp. Ngoài ra còn có đất trồng cây, sông suối, kênh rạch… Phần đất xây dựng có thể thấy rõ khi nhìn từ trên cao.
Hiện, VSIP có hơn 10 dự án khu công nghiệp vận hành trên toàn quốc, tính từ 1996 đến nay. Điển hình là khu công nghiệp VSIP tại Bắc Ninh có quy mô 7 km2, trong đó, 5,4 km2 là khu công nghiệp với sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.
Bên cạnh Thái Bình, năm ngoái, chủ đầu tư này cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư thêm khu công nghiệp VSIP ở Lạng Sơn quy mô 6 km2, tổng vốn đầu tư 6.300 tỷ đồng; VSIP Hà Tĩnh quy mô 1,9 km2, tổng vốn đầu tư 1.555 tỷ; Đặc biệt, VSIP tại Bình Thuận quy mô lên đến 50 km2, trong đó quy hoạch 30 km2 để phát triển công nghiệp, tổng mức đầu tư 3 tỷ USD.
Về tỉnh Thái Bình, hiện tỉnh đang có 10 khu công nghiệp, trong đó 4 dự án thuộc khu kinh tế Thái Bình và 49 cụm công nghiệp ở 8 huyện, thành phố với tổng quy mô gần 30 km2.
Theo quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Thái Bình đến năm 2030 sẽ là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của Vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Như vậy, việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp của Thái Bình thời gian qua là rất hợp lý, đúng với định hướng của quy hoạch.