Tin bất động sản nổi bật
- Không chấp nhận bị ép giá, nhiều chủ nhà bỏ trống mặt bằng cho thuê: Để giữ chân người thuê cũng như hỗ trợ một phần cho khách trong đợt bùng dịch tháng 4, 5/2020, nhiều chủ nhà đã chọn cách hạ giá thuê từ 30-50%. Tuy nhiên với làn sóng Covid-19 lần 2 bùng nổ trong tháng 7, nhiều chủ nhà không còn chấp nhận việc giảm giá thêm. Tìm hiểu thực tế thị trường của TinNhaDatVN.Com cho thấy, xu hướng giảm giá mặt bằng cho thuê hiện nay không nhiều. Cụ thể, khảo sát tại một số tuyến đường lớn tại địa bàn TP.HCM cho thấy, giá chào thuê gần như đứng yên so với thời điểm tháng 5 và không có xu hướng giảm trong tháng 7.
- Điêu đứng vì chạy theo làn sóng đầu tư nhà phố thương mại: Từng kỳ vọng sẽ thu được khoản lời từ 8-12%/năm, rót số tiền lớn lên tới cả chục tỷ đồng mua nhà phố thương mại, nhiều nhà đầu tư đã vỡ mộng khi sang nhượng khó, tìm kiếm khách thuê cũng không dễ. Thậm chí nhiều căn chỉ đem lại tỷ suất sinh lời từ 1,5-5% năm, thấp hơn mức kỳ vọng nhiều lần, có khi còn thấp hơn lãi suất ngân hàng. Đây không phải là mẫu số chung của thị trường, nhưng là thực trạng diễn ra ở không ít nhà phố thương mại đang cho thuê hiện nay.
- Nhu cầu mua bất động sản cao nhưng lượng giao dịch thực vẫn thấp: Ngoài yếu tố tài chính và sự cạnh tranh của các kênh đầu tư khác, tâm lý chờ đợi giá giảm thêm cũng là một trong những lý do khiến nhu cầu sở hữu bất động sản (BĐS) liên tục tăng nhưng sức mua thực của thị trường lại thấp. Báo cáo thị trường tháng 8/2020 của TinNhaDatVN.Com cho thấy, bất chấp cao điểm tháng dịch Covid-19 bùng phát lần 2, nhu cầu tìm kiếm và quan tâm đến BĐS vẫn duy trì ở mức cao. Gần như không giảm nhiều so với các tháng phục hồi trước đó.
Sợ bị khách hàng ép giá, nhiều chủ mặt bằng nhà phố cho thuê không muốn giảm giá thêm. Ảnh: Phương Uyên
- Giá nhà có thể giảm trong 6-12 tháng tới: Thời cơ xuống tiền? Dịch Covid-19 đưa đến những khó khăn chồng chất với nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ nhưng cũng mang lại hi vọng về cơ hội mua nhà cho những người có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, dù làn sóng Covid thứ 2 đã xuất hiện, nhiều người vẫn “lắc đầu lè lưỡi” vì giá nhà không chịu giảm nhiệt. Cơ hội có có thể xuất hiện trong 6-12 tháng tới, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng cần dựa trên nhu cầu, khả năng tài chính để quyết định thời điểm nào nên xuống tiền mua nhà.
Thông tin quy hoạch, dự án mới
- Đầu tư hơn 64.000 tỷ đồng làm 7 tuyến cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long: Bộ GTVT vừa trả lời ý kiến của cử tri tỉnh An Giang về quy hoạch xây dựng đường cao tốc ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo kế hoạch mà Bộ GTVT thông tin, 7 tuyến cao tốc đầu tư xây dựng trong thời gian tới có tổng vốn khoảng 64.554 tỷ đồng. Nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 là khoảng 37.200 tỷ đồng.
- Tập đoàn Thái Lan xin làm 2 dự án hơn 1.300ha tại Thanh Hóa: Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng và đoàn công tác của Tập đoàn WHA Industrial Development PCL (Thái Lan) vừa có buổi làm việc về việc đầu tư một số dự án trên địa bàn. Cụ thể, tập đoàn này sẽ nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp số 21 thuộc khu kinh tế Nghi Sơn có quy mô 539ha và khu đô thị công nghiệp bắc TP. Thanh Hóa có quy mô 800ha.
- Chốt phương án xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc vừa chốt phương án đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ và nhánh nối vào cảng Cái Mép - Thị Vải có vốn đầu tư 15.633 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP. Giai đoạn 2 từ Phú Mỹ đến Vũng Vằn (TP. Bà Rịa) do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nắm thẩm quyền quyết định, mức đầu tư khoảng 8.060 tỷ đồng.
- Gần 10.000 căn hộ tái định cư tại TP.HCM bị bỏ trống: Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng trực thuộc sở đang được giao quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất tái định cư trống. Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong số những căn hộ và nền đất này có hơn 2.000 căn hộ đang chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai, gần 4.800 căn hộ đang chờ bán đấu giá.
TH