Thước đo nào cho dự án nhà ở hạng sang

Không có một tiêu chuẩn chung nhưng bất động sản hạng sang phải mang lại cho khách hàng cảm xúc về sự sang trọng và khác biệt nhờ sự độc đáo về vị trí, thiết kế, vật liệu hoàn thiện và tiện ích, dịch vụ.

Muôn hình muôn vẻ dự án nhà ở hạng sang

Ngày càng có nhiều dự án nhà ở được quảng bá là hạng sang như Tân Hoàng Minh có D’. Palais Louis, Văn Phú – Invest với dự án Grandeur Palace Giảng Võ, Ecopark có biệt thự đảo Ecopark Grand - The Island hay Tập đoàn GFS với dự án Five Star West Lake.

Đặc điểm chung của những dự án này là siêu đắt đỏ, với giá bán lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi căn hộ và có thể vài trăm tỷ đồng đối với mỗi biệt thự.

Đơn cử, Tập đoàn GFS đang chào bán dự án Five Star West Lake bên hồ Tây với giá từ 8,5 tỷ đồng đến 44 tỷ đồng mỗi căn hộ. Trong khi đó, Tập đoàn Trung Thuỷ chào bán biệt thự The Lancaster Eden tại TP. HCM với giá trên 60 tỷ đồng, có căn trên 100 tỷ đồng.

Thước đo nào cho dự án nhà ở hạng sang - Ảnh 1.

Nội thất của căn hộ Five Star West Lake

Vì giá bán đắt đỏ nên những dự án này đều nhắm đến khách hàng là giới thượng lưu. Tuy nhiên, liệu giá cả có phải là thước đo chung để phân biệt những dự án nhà ở hạng sang?

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, giá bán vẫn là một trong những tiêu chí cho nhà ở hạng sang và giá bán càng cao thì càng sang. Nhưng mức giá nào cho một dự án hạng sang vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Trước đây, thị trường mặc định các dự án chung cư giá từ 35 triệu đồng/m2 là cao cấp. Nhưng ở thị tường hiện nay, mức giá này đã tăng lên rất nhiều và theo ước tính của ông Đính, từ 50 - 80 triệu đồng/m2.

Còn các sản phẩm hạng sang, theo tính toán của các đơn vị nghiên cứu thị trường, mức giá khoảng 4.000 - 10.000 USD/m2, thậm chí có thể cao hơn nhiều.

Ông Đính cho biết tiêu chuẩn đối với các sản phẩm nhà ở hạng sang trên thị trường hiện nay vẫn rất mơ hồ và thực tế không có định nghĩa chung về một sản phẩm như thế nào được coi là sang trọng.

Ngay cả trong các quy định pháp luật như Thông tư 31 của Bộ Xây dựng cũng chỉ có quy định về chung cư hạng A, B, C chứ chưa định nghĩa cụ thể về phân khúc bất động sản hạng sang . Chính điều này đã khiến các dự án trên thị trường hiện nay đang "muôn hình, muôn vẻ" theo quan điểm của mỗi doanh nghiệp.

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, trên thế giới cũng chưa có định nghĩa nhất quán về các sản phẩm này. Khái niệm này thay đổi theo thời gian, tùy theo quan niệm có tính chất thời thượng và thu nhập của con người trong xã hội mà các thang bậc giá trị của nhà ở hạng sang được hình thành.

Vài thế kỷ trước, sự sang trọng thường gắn với giá trị tính bằng tiền, sự khác biệt của đồ vật, sự độc đáo về vị trí địa lý. Gắn với quan niệm này, nhà đầu tư thường tìm kiếm những vị trí địa lý đặc biệt tại đô thị, gần những di tích văn hóa, sử dụng những vật liệu xây dựng đặc biệt, thuận tiện nhất cho đời sống đô thị và tạo dựng một kiến trúc độc đáo.

Đến năm 1992, khi thế giới thống nhất quan niệm phát triển bền vững nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu ở Rio De Janairo, các bất động sản hạng sang lại có thiên hướng yêu cầu về một môi trường rất trong lành. Khi đó, yếu tố cây xanh, ánh sáng tự nhiên, sử dụng nước, nguồn cấp năng lượng được xác định như một giá trị môi trường trong lành trong đánh giá giá trị của một bất động sản hạng sang.

Lúc này, người ta ít quan tâm hơn tới giá trị của vật liệu, của đồ vật trong bất động sản. Ví dụ, trước năm 1992, người có bất động sản hạng sang có thể tự hào rằng tường nhà của họ được dựng bằng gỗ quý mạ vàng, nhưng sau đó người ta lại chê quan niệm như vậy là "cũ kỹ và quê mùa", họ lại tự hào về lượng cây xanh trên các tầng, sống ở đây không cần máy điều hòa không khí, tại đây chỉ sử dụng điện tái tạo.

Gần đây, khái niệm công nghệ 4.0 được đưa vào bất động sản và được xem là giá trị mới của nhà ở hạng sang. Theo đó, một bất động sản hạng sang phải là bất động sản thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và khả năng kết nối giúp tạo nên một cuộc sống tiện lợi.

Như vậy, chỉ trong ba thập kỷ gần đây, quan niệm về bất động sản hạng sang đã có nhiều thay đổi. Giá trị tính bằng tiền tạo dựng bất động sản không còn là giá trị chính, thay vào đó là các giá trị không tạo ra bằng tiền như vị trí, sự tiện lợi cho đời sống, giá trị văn hóa, chất lượng môi trường, giải pháp thông minh chiếm tỷ trọng cao hơn.

Sang trọng đến từ cảm xúc

Chính vì không có quy chuẩn chung cho phân khúc hạng sang nên điều dễ thấy các sản phẩm nhà ở này đang được phát triển theo quan điểm riêng của mỗi doanh nghiệp.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh cho rằng, dự án hạng sang phải là một tác phẩm nghệ thuật. Một dự án không thể coi là sang trọng nếu không đặc sắc và ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên, tức là phải có kiến trúc “đẹp, độc và đỉnh”.

Quan trọng hơn, theo ông Dũng, sang trọng không đơn thuần là toà nhà hoành tráng, căn hộ có nội thất xa xỉ hay thiết bị hiện đại. “Sự sang trọng là sự tôn trọng, trải nghiệm đẳng cấp và cảm xúc đặc biệt mà chủ đầu tư mang lại cho chủ nhân căn hộ. Sang trọng là phải chạm được vào cảm xúc của khách hàng".

Muốn đạt được điều đó, dự án bất động sản phải hội tụ nhiều yếu tố, từ kiến trúc bên ngoài đến nội thất bên trong, từ tiện ích cho đến phong cách phục vụ, từ chi tiết đến tổng thể. Chủ nhân căn hộ phải cảm thấy được tôn trọng ở mức cao nhất, hãnh diện là họ đang sống trong không gian xa xỉ nhất và hưởng những dịch vụ tốt nhất.