Thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 TPHCM: Chuyên gia lo ngại gì?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, nếu đường Vành đai 3 TPHCM hoàn thành cuối năm 2025 mà không có đường cao tốc kết nối thì sẽ không hiệu quả, thậm chí lãng phí.

Chiều 2/12, tại TPHCM, Cổng TTĐT Chính phủ phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy Dự án Vành đai 3 - Động lực mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam'.

Tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho biết đã đọc báo cáo kết quả thẩm định kinh tế - Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư phát triển Châu Á (ADB) vào năm 2015. Cụ thể, lúc ấy đường Vành đai 3 được tính toán đầu tư theo cơ chế đối tác công-tư, có thể sử dụng nguồn vốn ODA.

Thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 TPHCM: Chuyên gia lo ngại gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Trường chính sách công và quản lý Fulbright

“Cách đây 7 năm, nếu làm đường vành đai 3 thì suất sinh lợi kinh tế ,6%. Với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, làm trong vòng 3 năm thì hoàn vốn hoàn toàn. Ngoài ra, còn nhiều lợi ích trên trời rơi xuống vào khoảng 20 tỷ đồng. Lợi ích kinh tế được lượng hóa vô cùng lớn”, ông Thành cho hay.

Theo ông Thành, vấn đề cần quan tâm là để có được lợi ích thì phải kết nối cả đường vành đai lẫn đường cao tốc hướng tâm thì mới hiện thực hóa được lợi ích kinh tế - xã hội. Những vùng nào chỉ có đường vành đai, không có đường cao tốc hướng tâm thì lợi ích rất thấp. Những nơi không kết nối được cả với đường vành đai và đường cao tốc hướng tâm thì lợi ích còn suy giảm, thậm chí âm.

“Nhiệt huyết của chúng ta rất lớn là làm đường Vành đai 3 cuối năm 2025, đầu năm 2026 sẽ xong. Nhưng, liệu đến thời điểm đó, chúng ta có làm được các đường cao tốc để kết nối hay không? Chỉ có đường Vành đai 3 mà không có các đường cao tốc thì sẽ không có hiệu quả. Đơn cử như cao tốc Bến Lức – Long Thành gần đây gặp phải những vướng mắc về vốn đối ứng, trục trặc trong cơ chế và xin trễ hẹn 2 năm”, ông Thành lưu ý.

Thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 TPHCM: Chuyên gia lo ngại gì? - Ảnh 2.

TPHCM đã hoàn thành công tác cắm mốc và đang xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng để khởi công dự án đường Vành đai 3 trong tháng 6/2023. Ảnh: Phạm Nguyễn

Chuyên gia đến từ Trường chính sách công và quản lý Fulbright lưu ý, thách thức trong việc làm đường Vành đai 3 là phải gắn với phát triển đô thị. Tuy nhiên, nếu như đường Vành đai 3 thành một con đường đô thị truyền thống, đường đến đâu hình thành nhà sát mặt tiền đến đấy thì lợi ích giao thông của đường Vành đai 3 sẽ không còn.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tầm quan trọng của đường Vành đai 3 TPHCM là điều ai cũng thấy, quan trọng là làm thế nào để dự án được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc bảo đảm nguồn lực tài chính và năng lực kỹ thuật, một cơ chế thông thoáng là không thể thiếu.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, quan trọng nhất là cơ chế để giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm của việc thực hiện Dự án vành đai 2 TPHCM cho thấy, đây là những vấn đề có khi mất hàng chục năm chưa chắc đã giải quyết xong.

Thúc đẩy dự án đường Vành đai 3 TPHCM: Chuyên gia lo ngại gì? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

"Dự án vành đai 3 lên kế hoạch đến tháng 6 năm 2023 giải phóng 70% mặt bằng quả thực là một kỷ lục về tiến độ thời gian", TS Dũng đánh giá.

Chuyên gia này phân tích: Thực tế cho thấy, chúng ta đang chủ yếu căn cứ vào loại đất để đề ra mức giá bồi thường. Đất nông nghiệp, đất rừng sẽ được đền bù thấp hơn rất nhiều so với đất thổ cư. Với mức đề bù như vậy, nhiều khi người dân sẽ rất thiệt thòi. Và đây cũng là lý do dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

"Đất xung quanh Hồ Tây của Hà Nội cho dù là đất nông nghiệp, thì đền bù với giá đất nông nghiệp chắc chắn không một người dân nào chấp nhận. Nên chăng lần này bên cạnh loại đất, thì vị trí đất cũng cần được xem xét để xác định giá đền bù cho dân", ông Dũng đề xuất.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng, Dự án Vành đai 3 TPHCM là dự án trọng điểm, đi qua nhiều địa phương, công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng với khối lượng rất lớn, để đảm bảo tiến độ đề ra cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của các tỉnh và thành phố trong Vùng Đông Nam Bộ nói chung và TPHCM nói riêng.

Ông Bằng khẳng định, TPHCM sẽ phát huy cao độ vai trò chỉ đạo của Ban Chỉ đạo dự án, Ban chỉ huy các dự án thành phần; tiếp thu các ý kiến góp ý của Bộ ngành Trung ương, của Hội đồng cố vấn; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chỉ đạo giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành.

Đường vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài 76,34 km, gồm đoạn qua TPHCM 47,51 km; Đồng Nai 11,26 km; Bình Dương 10,76 km và Long An 6,81 km. Tổng mức đầu tư của dự án 75.378 tỷ đồng, gồm 50% vốn Trung ương và 50% vốn địa phương. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong tháng 6/2023.