Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TPHCM.
Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km. UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km. UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km. UBND TPHCM thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km. UBND tỉnh Long An triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TP HCM), chiều dài khoảng 71 km.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP HCM và UBND các tỉnh có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định.
Bản đồ dự án tuyến đường vành đai TP HCM. Thiết kế: Bảo Linh
Đường vành đai 4 TP HCM đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc 5 tỉnh, thành phố: Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (3 huyện Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (2 huyện Tân Uyên, Bến Cát); TP HCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (4 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc). Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 197,6 km.
Tuyến đường được chia làm 5 đoạn, trong đó chỉ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20.000 tỷ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa được khởi động.
Vành đai 4 cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo sớm khép kín trong giai đoạn 2021 - 2025 và phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành tất cả dự án.