Thủ tướng chỉ đạo làm việc "xuyên lễ, xuyên tết, xuyên ngày nghỉ" đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khởi công ngày 19/12/2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 54/CĐ-TTg ngày 30/4/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Ngoại giao, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là một trong những lĩnh vực vận tải cần ưu tiên đầu tư. Đây là phương thức vận tải có nhiều ưu điểm, vận tải khối lượng lớn, nhanh, chi phí rẻ, an toàn, bảo vệ môi trường có khả năng kết nối rộng và xuyên quốc gia… Vì vậy, việc phát triển hệ thống đường sắt có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Thực hiện Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị về ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 187/2025/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án. Chính phủ hiện đang xây dựng Nghị quyết triển khai, yêu cầu khởi công trong năm 2025. 

Ngày 14/4/2025, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết Công thư trao đổi về việc Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Để bảo đảm mục tiêu khởi công, hoàn thành Dự án đúng tiến độ trong năm 2025; với tinh thần của những ngày tháng 4 lịch sử "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi dự án đi qua khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ động làm việc với các địa phương để bàn giao tọa độ tim tuyến và ranh giải phóng mặt bằng làm cơ sở cho các địa phương triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khảo sát thiết kế lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, hoàn thành trong tháng 6 năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn tăng cường nhân lực, triển khai đồng thời các công việc từ lập, thẩm định đến phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ liên quan, kiên quyết không để công việc chồng chéo, trì hoãn. Tinh thần làm việc được quán triệt là “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, sẵn sàng “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ” để đảm bảo tiến độ, hoàn thành thủ tục và khởi công Dự án vào ngày 19/12/2025. Trường hợp cần thiết, sẽ huy động nhân lực từ Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội để hỗ trợ triển khai.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Tờ trình Nghị quyết Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đầu tư phát triển hệ thống đường sắt tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV; báo cáo Chính phủ trước ngày 05 tháng 5 năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 499/TTg-QHĐP ngày 29 tháng 4 năm 2025.

Thực hiện ngay công tác bồi thường, tái định cư, hoàn thành trong tháng 8/2025

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố liên quan nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án, do Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy làm Trưởng Ban, hoàn thành trước ngày 5 tháng 5 năm 2025. Các ban chỉ đạo phải triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp với Bộ Xây dựng và Ban Quản lý dự án đường sắt để tiếp nhận hồ sơ và tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Công tác bồi thường, tái định cư cần được hoàn thành trong tháng 8 năm 2025 để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai các thủ tục liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa cho dự án. Bộ Tài chính cần rà soát và ưu tiên bố trí vốn từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên của năm 2025 để thực hiện dự án, báo cáo kết quả trong tháng 5/2025. 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ trực tiếp chỉ đạo, theo dõi và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.

Tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh dự kiến hơn 200.000 tỷ đồng, bao gồm cả phân đoạn từ Hải Phòng đến Quảng Ninh thuộc tuyến ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Tuyến đường sắt này có tổng chiều dài quy hoạch là hơn 460 km, điểm đầu tại cửa khẩu Lào Cai kết nối với đường sắt Trung Quốc và điểm cuối tại ga Cái Lân (TP. Hạ Long, Quảng Ninh).

Tuyến đường sắt sẽ có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai - các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đi qua Hà Nội và đi trùng với đường sắt vành đai phía Đông.

Tuyến đường sắt qua địa phận Lào Cai dài 65 km; qua Yên Bái dài gần 77 km; qua Phú Thọ dài hơn 60 km; qua Vĩnh Phúc dài gần 42 km; qua Hà Nội và Bắc Ninh dài gần 44 km (bao gồm tuyến chính dài hơn 40 km và tuyến nhánh nối về ga Yên Viên hơn 3 km). Trong khi đó, tuyến qua địa phận Hưng Yên có chiều dài gần 17 km; qua Hải Dương có chiều dài gần 41 km và qua TP Hải Phòng có chiều dài gần 84 km.

Tuyến chính xuống cảng Lạch Huyện của dự án dài gần 49 km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn dài gần 13 km; tuyến nhánh xuống cảng Đình Vũ dài hơn 7,4 km; tuyến đường sắt ven biển kết nối tỉnh Quảng Ninh dài gần 15 km.