Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Giá BĐS vẫn có xu hướng tăng cao, thị trường chưa thực sự phát triển bền vững

Tại hội thảo sáng 27/11, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, dù còn nhiều tiềm năng phát triển nhưng thị trường BĐS chưa thực sự bền vững, trong đó giá nhà tại các đô thị đang ở ngưỡng cao hơn hẳn thu nhập của người dân. Không chỉ tốc độ tăng giá nhanh ở nhà ở thương mại mà BĐS công nghiệp cũng đang đà tăng giá chóng mặt.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2015-2020 số lượng, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường BĐS đa dạng, phong phú hơn 5 năm trước. Tính đến đầu năm 2020, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS tham gia đầu tư kinh doanh BĐS (tăng 2,3 lần so với năm 2010). Ngoài ra, còn có 1.000 sàn giao dịch BĐS được thành lập.

Nếu như trong giai đoạn 2014 trở về trước, thị trường BĐS chủ yếu chỉ có sản phẩm nhà ở (nhà liền kề, biệt thự) được xây dựng tại các dự án quy mô nhỏ thì giai đoạn 2015-2020 sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của thị trường BĐS có nhiều thay đổi và càng phong phú, xu hướng phát triển của thị trường BĐS cũng ngày càng đa dạng, ngoài nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, BĐS công nghiệp, BĐS du lịch, văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê…trong tổng số 5.000 dự án nhà ở có hơn 1.000 nhà ở xã hội; 326 khu công nghiệp; gần 4.000 căn hộ du lịch; trên 6 triệu m2 văn phòng cho thuê, tăng gần gấp 3 năm 2009…

Tuy nhiên, theo ông Sinh sự phát triển của thị trường BĐS vẫn chưa thực sự bền vững, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, có thể kể đến một số vấn đề đang tồn tại như:

Giá BĐS vẫn ở mức cao và giữ xu hướng tăng mạnh, nhất là ở đô thị lớn như Tp.HCM, Hà Nội. Hiện nay giá nhà tại các đô thị cao hơn hẳn thu nhập của người dân, nhiều khu vực do có sự biến động về cung – cầu giá nhà đã tăng mạnh, không chỉ BĐS nhà ở tăng mà BĐS công nghiệp thời gian qua giá cũng tăng chóng mặt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Giá BĐS vẫn có xu hướng tăng cao, thị trường chưa thực sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Song song đó, cơ cấu thị trường BĐS chưa phù hợp, các dự án trung – cao cấp số lượng lớn trong khi nhà giá rẻ, đáp ứng nhu cầu số đông đang thiếu.

Bên cạnh sản phẩm nhà ở thì các loại hình mới như condotel, officetel quy định về pháp lý, giao dịch chưa có cũng được xem là một bất cập của thị trường BĐS.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, vẫn còn những tình trạng dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, dự án "ma", giao dịch lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân.

Bên cạnh đó, tính minh bạch của thị trường BĐS còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tâm lý của người mua, vì thế giao dịch BĐS có lúc trầm lắng, không lành mạnh. Ngoài ra, thị trường còn tình trạng đầu cơ diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các địa phương lân cận; Các giao dịch trên thị trường sơ cấp khó kiểm soát gây ra nhiều rủi ro, môi giới BĐS tự do khá phổ biến cũng là nguyên nhân gây nên những khó khăn cho thị trường BĐS.

Ngoài ra, theo ông Sinh, nguồn tài chính cho dự án BĐS không bền vững chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và huy động vốn từ khách hàng, không thông qua phát hành trái phiếu, chứng khoán.

"Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nhiều giải pháp để phát triển ổn định, lành mạnh thị trường BĐS. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, đồng bộ liên quan đến các Luật như luật đất đai, luật kinh doanh BĐS…Bộ nghiên cứu trình Chính phủ Nghị quyết nhà ở thương mại giá rẻ, hết sức tập trung vấn đề này để tạo nguồn cung tốt hơn cho thị trường, đạt được mục tiêu có nhà thương mại giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2, đáp ứng nhu cầu an cư của bộ phận lớn người dân, nhất là người có thu nhập thấp tại các đô thị", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: Module 'mysqli' already loaded

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: