Lúc nào nên vào thị trường?
Anh Sơn, một NĐT cá nhân lâu năm trên thị trường BĐS cho hay, anh vẫn tìm kiếm BĐS để đầu tư. Hiện nay, với những khu vực đang có lợi thế hạ tầng hoặc các thông tin về quy hoạch đều trong tầm ngắm của anh. Thế nhưng, với số tiền khoảng 6 tỉ đồng, NĐT này cho biết, cũng đang khá lăn tăn vài khu vực và có thể sẽ quyết định xuống tiền vào cuối năm nay, chờ thêm các BĐS giảm giá thêm chút đỉnh.
Tâm lý chờ đợi như anh Sơn không hiếm trên thị trường địa ốc hiện nay. Một NĐT có mảnh đất 50m2 tại Q.9 cách đây 2 tháng rao bán 2.450 tỉ đồng/nền, do cần tiền nên mới đây, hạ giá xuống còn 1.320 tỉ đồng/nền, ngay lập tức có NĐT khác vào mua.
Điều này cho thấy, thực tế nhiều NĐT đang có tiền sẵn vẫn "chờ" vào thị trường khi nhìn thấy tiềm năng. Và đặc biệt, chờ đợi giảm giá thêm để quyết định "xuống tiền". Có nghĩa là họ vẫn thủ sẵn tiền để mua BBĐ, vấn đề là cố gắng đợi thêm để mua với giá tốt hơn so với dự tính trước đó.
Theo một chuyên gia trong ngành, làn sóng Covid-19 thứ 2 quay trở lại làm ảnh hưởng tâm lý của khách hàng, nên nhiều người dù nhu cầu rất lớn vẫn có tâm lý "dò xét". Tuy nhiên, quan niệm về "chạm đáy" BĐS rất khó định hình và luôn là bài toán hóc búa.
Cho nên, đối với chủ đầu tư, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là trưng cho khách hàng sản phẩm tốt, đội ngũ tư vấn nhiệt tình, truyền tải được hết tinh thần của sản phẩm. Còn người mua, nếu cảm thấy sản phẩm đó phù hợp, hãy quyết định ngay.
Tại tọa đàm mới đây, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, lúc thị trường biến động, khó khăn với người này lại chính là cơ hội cho người khác. Cho nên, nhìn chung cơ hội trên thị trường BĐS còn rất lớn. Ngay ở thời điểm này sân chơi đang nghiêng về các NĐT có tiềm lực tài chính tốt. Cuộc khủng hoảng năm nay hoàn toàn khác với giai đoan 2008-2009. Nếu trước đó hiện tượng bán lỗ, bán tháo trên thị trường địa ốc dễ nhìn thấy còn hiện nay tình trạng này khó diễn ra, bởi nguồn cung hạn chế và những NĐT trong và ngoài nước vẫn đang rất quan tâm đến thị trường BĐS. Sức cầu nhìn chung ổn định.
"Những lúc khó khăn là lúc đầu tư tốt. Tuy vậy, NĐT cần cân nhắc sản phẩm nào, sử dụng đòn bẩy tài chinh ra sao, tầm nhìn đầu tư trong bao lâu, ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn", ông Khương khẳng định.
Vào thị trường càng sớm càng tốt
Theo dự báo của các chuyên gia, có thể phải bước vào quý 2/2021 thị trường BĐS mới có thể phục hồi. Từ nay đến cuối năm dù có những điểm sáng nhưng nhìn chung thị trường BĐS cần có thời gian để trở lại đường đua. Vì thế, nếu thị trường trên đà phục hồi sẽ khó diễn ra tình trạng giảm giá mà sẽ có xu hướng tăng lên để bắt kịp thị trường.
Theo đó, các chuyên gia trong ngành cho rằng, càng vào thị trường sớm thì cơ hội để tăng biên độ lợi nhuận về lâu dài sẽ tốt hơn. Lúc thị trường có xu hướng chậm, giá chững lại, hoặc bán ra với ngưỡng hợp lý đa số chuyên gia nên mua vào lúc này và chờ đợi. Còn việc "bắt đáy" không dành cho tất cả các NĐT trên thị trường.
Một số chuyên gia đưa lời khuyên, việc "xuống tiền" trong giai đoạn này có thể là nước cờ thông minh, bởi nhiều chính sách ưu đãi được triển khai sẽ giúp người mua hưởng lợi nhiều hơn so với thời điểm trước. Chưa kể, nhìn dài hạn BĐS vẫn là kênh đầu tư có tiềm năng trong tương lai. Hiện nay, mỗi NĐT có những phương pháp để vào thị trường, còn nhìn nhận kênh nào để "bỏ tiền" thì do mỗi NĐT quyết định.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho hay, với thị trường hiện nay, những NĐT có sẵn tài chính nhàn rỗi (không vay ngân hàng) thì nên vào thị trường, chấp nhận tỉ lệ lợi nhuận thấp so với kì vọng. Nhưng bù lại, nếu tính về giá trị sản phẩm gia tăng trong tương lai thì đây là bài toán tốt nếu chọn kênh đầu tư BĐS lúc này. Chắc chắn về trung – dài hạn BĐS vẫn sinh lợi nhuận tốt.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land khẳng định, trong ngắn hạn có thể một vài thời điểm BĐS chững lại do các yếu tố khách quan, còn về dài hạn đây vẫn là kênh mang lại lợi nhuận tốt so với các kênh đầu tư khác. Lấy ví dụ ở dự án của doanh nghiệp mình, bà Hương cho biết, dự án Vạn Phúc City trong vòng 3 năm, giá đất tăng gấp 5 lần, giá nhà tăng gấp 3 lần. Lúc thị trường tốt, theo kinh nghiệm giá trị BĐS tăng trưởng 20-25%, lúc thị trường chững mức độ tăng ít hơn tầm 10-15%.
"Việc đầu tư vào kênh nào lúc này phụ thuộc vào khẩu vị, ngân sách của mỗi NĐT cá nhân. Riêng đối với NĐT có tổ chức họ sẽ phân tích, đánh giá rất kỹ các yếu tố, phương pháp để vào thị trường. Họ sẽ phân tích trên các yếu tố như uy tín của CĐT, loại hình sản phẩm, vị trí sản phẩm tọa lạc…và đưa ra quyết định. Nếu quá thận trọng NĐT sẽ mất cơ hội, còn kì vọng quá lớn thì phải chấp nhận rủi ro", bà Hương chia sẻ.