Vắng chưa từng thấy
Trưa 28/8, chúng tôi đến khu nhà trọ công nhân tại hẻm 576 đường Tỉnh lộ 10 (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM), từ ngoài cổng thấy tấm bảng lớn “Cho thuê phòng trọ”. Tưởng có khách đến thuê nhà, chị Lê Thị Dung (quản lý dãy nhà trọ) liền giới thiệu: “Nhà trọ còn nhiều phòng trống đều được dọn sạch sẽ, thoáng mát và đảm bảo an ninh. Giá rất mềm chỉ 2 triệu đồng/tháng (bao nước), có thể ở tối đa 3 người thoải mái”.
Tuy nhiên khi biết chúng tôi chỉ đang khảo sát giá nhà trọ, chị Dung thoáng buồn, vì cả tháng qua chỉ thấy người trả phòng mà không thấy ai đến thuê.
“Khu nhà trọ này có khoảng 50 phòng và luôn kín chỗ nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, công nhân bị thất nghiệp nhiều nên họ trả phòng để về quê rất nhiều. Hiện, khu nhà trọ này có gần 50% phòng trống. Mỗi lần nghe có công ty ở khu công nghiệp Tân Tạo này cắt giảm lao động, mình càng thêm lo lắng” - chị Dung cho biết.
Còn tại các tuyến đường số 5, 41, 45… (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) - nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ phòng trọ”, khung cảnh càng hiu hắt hơn. Nhiều phòng trọ cửa đóng kín mít đã bạc màu, khóa hoen gỉ vì khá lâu không được mở.
Bà Tư Mến (65 tuổi) - chủ phòng trọ tại con hẻm 58 đường số 5 cho biết, khu trọ này thường được công nhân làm việc tại các công ty như PouYuen, Tỷ Hùng… thuê vì giá rẻ. Trung bình mỗi phòng đều có giá từ 800.000 - 1 triệu đồng/tháng, hơn 10 năm qua, công nhân đều ở kín phòng.
Bà Tư Mến từng kén khách trọ, hỏi kỹ quê quán, hoàn cảnh gia đình, cách sống có sạch sẽ, ngăn nắp hay không, mới đồng ý cho thuê. Nhưng từ sau Tết 2023 đến nay, ai có nhu cầu thuê trọ đều được bà chủ “gật đầu”. Vậy mà vẫn không lấp kín số phòng trống.
“Mỗi tháng, sau khi thu tiền phòng, trừ phí thuê đất, điện nước... tôi cũng thu được chút lãi để dưỡng già, không phiền đến con cháu. Vậy mà người đến thì ít, người đi thì nhiều. Mình chủ động giảm giá phòng nhưng công nhân thất nghiệp nhiều quá, họ không đủ sức bám trụ thành phố” - bà Tư Mến buồn hiu nói, ánh mắt nhìn xa xăm.
Những khu nhà trọ vắng khách thuê cũng diễn ra tương tự ở Bình Dương. Khu nhà trọ của ông Nguyễn Văn Vinh (50 tuổi) gần khu công nghiệp Vsip 1 (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) có hơn 30 phòng. Những năm trước luôn kín chỗ; song từ đầu năm 2023 đến nay, công nhân liên tục trả phòng.
“Một nửa số phòng trong khu nhà trọ bị trả lại nhưng có lẽ chưa dừng lại ở đó. Thấy công nhân khó khăn, tôi giảm tiền thuê và cho nợ, song do họ không có việc làm ổn định nên họ trả phòng để về quê”- ông Vinh cho biết.
Theo một số công nhân sống tại cư xá Hưng Lợi (phường Uyên Hưng, thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trước đây, cư xá luôn trong cảnh đông đúc, nhộn nhịp. Từ năm 2022 đến nay, khi doanh nghiệp thiếu đơn hàng, công nhân mất việc, cư xá trống rất nhiều phòng.
Ông Nguyễn Văn Hưng - chủ cư xá Hưng Lợi cho biết, nơi đây có hơn 1.300 phòng trọ tạo nơi ở cho khoảng 4.000 công nhân lao động. Hiện nay do công nhân trả phòng về quê nên gần 500 phòng trọ bỏ trống.
Dịch vụ ăn theo cũng đìu hiu
Không chỉ chủ trọ “sốt vó” vì khách thuê lần lượt trả phòng, mà các dịch vụ ăn theo như hàng quán, chợ… cũng ế ẩm vì vắng khách mua. Khu chợ nhỏ trên đường An Dương Vương (phường 16, quận 8, TPHCM) là nơi chủ yếu phục vụ công nhân. Chị Võ Thị Hà (quê Tiền Giang) bày những con cá điêu hồng, cá lăng nhỏ xíu ra bán chứ không còn loại “khủng” như trước, nhưng chờ cả buổi chiều chỉ có 3 khách đến hỏi mua.
“Công nhân không có việc làm nên “thắt lưng buộc bụng”, chi tiêu dè sẻn nên mình chỉ bán hàng nhỏ, nhẹ túi tiền cho người mua. Vậy mà ngày nào cũng ôm hàng mang về vì khách giảm hơn phân nửa. Cứ đà này chắc sang năm tui nghỉ bán về quê luôn chứ buôn bán ế ẩm, không đủ tiền nuôi con, trả tiền thuê trọ” - chị Hà cám cảnh.
Ông Trương Quang Đức (65 tuổi, quê Tiền Giang) đến phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương sinh sống bằng nghề buôn bán quần áo nhỏ lẻ ở chợ, nói rằng vợ chồng đang phải “dè sẻn từng đồng” để bám trụ lại nơi đất khách.
“Trước đây công nhân đông đúc, tôi bán hàng được gần một triệu đồng/ngày; còn giờ chưa tới 200.000 đồng/ngày, trừ chi phí lợi nhuận thu về chỉ đủ ngày hai bữa cơm qua ngày”- ông Đức nói.
Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, những hộ kinh doanh nhà trọ tìm cách để cứu vãn tình thế. Nhiều chủ trọ đã giảm tiền thuê xuống khoảng 20 - 30% giá phòng. Thậm chí, có chủ trọ còn cho người thuê trả góp, hoặc nợ tiền thuê nhà tối đa 2 tháng để giảm áp lực. Chủ trọ còn sơn sửa nhà trọ khang trang, lắp đặt thêm nhiều tiện ích để thu hút những khách có nhu cầu.
Dẫu vậy, tình hình không mấy khả quan, nhiều phòng trọ qua thời gian dài vắng khách thuê, mạng nhện, bụi bặm bắt đầu đóng dày đặc. Một số chủ trọ bắt đầu chịu không nổi đã treo biển rao bán khu trọ nhưng cũng không ai muốn mua.
Ông Nguyễn Chí Hùng - Tổ trưởng Khu phố 3, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho biết, khu vực này chiếm 1/3 dân số của phường Tân Tạo A, đa số là công nhân từ các tỉnh đến thuê trọ.
Theo ông Hùng, sự sụt giảm bắt đầu từ sau dịch COVID-19 nhưng đỉnh điểm là đầu năm 2023 khiến dân số của khu phố 3 từ 22.000 người nay chỉ còn 15.000 người. Khu vực từng đông người thuê trọ nhất là hẻm 58 và hẻm 60 với khoảng 1.000 công nhân lưu trú, nay chỉ còn khoảng 1/3.
“Một số công nhân thất nghiệp chuyển sang buôn bán ở các khu chợ, quán ăn, tiệm tạp hóa nhưng cũng ế ẩm. Địa phương cũng động viên, vận động các chủ trọ cố gắng không tăng giá để hỗ trợ đời sống công nhân” - ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, số người lao động được hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là 55.000 trường hợp, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Tỉnh Bình Dương đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ người lao động như đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; Điều tiết lao động từ nơi đang thất nghiệp đến nơi đang tuyển dụng; Tiếp tục giải quyết kịp thời bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”- ông Tuyên cho hay.
Tiếp tục hỗ trợ lao động thất nghiệp
Trước thực trạng doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phải giảm thời gian làm, tạm hoãn hợp đồng, cắt hợp đồng với người lao động, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã quyết định tiếp tục hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng.
Mức hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng/người. Cụ thể, lao động bị giảm giờ làm, ngừng việc, đoàn viên công đoàn được hỗ trợ từ 700.000-1 triệu đồng/người; trường hợp bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đoàn viên được hỗ trợ từ 1,4 - 2 triệu đồng/người.
Trong trường hợp bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, công đoàn viên công đoàn được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, người lao động được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 31/1/2024; thời hạn hoàn thành thủ tục hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động đến ngày 31/3/2024.