Cầu nối quan trọng trong các giao dịch bất động sản
Sau khi được pháp luật công nhận năm 2006, môi giới bất động sản trở thành loại hình dịch vụ chính thức trên thị trường địa ốc, là cầu nối giữa nhà đầu tư, chủ dự án với người có nhu cầu giao dịch bất động sản. Qua thời gian, lực lượng này trở thành một phần quan trọng, là nhân tố chính tạo thanh khoản cho thị.
Có thể thấy, nhóm này đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2018, thúc đẩy nhanh quá trình “phá băng” bất động sản của giai đoạn 2009 - 2014, giúp thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hiện nay có gần 300.000 người làm nghề môi giới, chủ yếu tập trung ở hai thị trường là Hà Nội và TP.HCM (Hà Nội có gần 60.000 người, TP.HCM gần 100.000 người).
Trong số này, có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn trên thị trường. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người “tay ngang” chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát dẫn tới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán.
Sự phát triển nhanh của lĩnh vực môi giới bất động sản đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động này. Các văn bản pháp luật như Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11 đưa ra những yêu cầu chặt chẽ với nghề môi giới, tương tự ở các lĩnh vực tài chính khác.
Hơn 80% giao dịch bất động sản trên thị trường được thực hiện thông qua các nhà môi giới
Các nhà môi giới khi tham gia thị trường bất động sản cần có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng, tiêu chuẩn nhất định. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà môi giới chuyên nghiệp và nghiệp dư. Một môi giới đúng nghĩa cần có đủ khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho nhu cầu của từng khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), đội ngũ môi giới chuyên nghiệp được đào tạo bài bản sẽ là yếu tố quan trọng tạo nên thị trường bất động sản minh bạch và phát triển, làm nền tảng áp dụng công nghệ vào các giao dịch.
Đặc biệt, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động bất động sản đang trở thành xu hướng của các doanh nghiệp, việc đào tạo và kiểm soát lực lượng môi giới chuyên nghiệp càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn nhằm đảm bảo tính minh bạch, trung thực của thị trường, bên cạnh sự cạnh tranh trong hoạt động môi giới.
Hoa hồng vài chục triệu đồng trên mỗi giao dịch, lúc nào cũng bóng bẩy, sang trọng, là hình ảnh bên ngoài thường thấy của nhiều môi giới, nhưng không nhiều người hiểu rằng, để có được điều đó là không dễ và số lượng môi giới đạt được thành công trên không nhiều so với số lượng môi giới đang hoạt động.
Thực trạng số lượng môi giới chưa có chứng chỉ hành nghề, nhưng đã vội vã tham gia thị trường là một trong những vấn đề được các cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, việc thiếu nghiêm túc trong hoạt động môi giới, chạy theo hoa hồng, phó mặc quyền lợi khách hàng, thậm chí thổi giá, lừa đảo chính là nguy cơ và mầm mống dẫn đến những biến động bất thường của thị trường như giai đoạn trước đây. Hệ quả là hình ảnh của rất nhiều môi giới chuyên nghiệp bị hiểu sai lệch trong con mắt của người dân, trở thành các “cò đất”…
Xây dựng thị trường minh bạch, an toàn cho nhân viên môi giới
Tại các nước phát triển, nghề môi giới bất động sản đóng vai trò rất quan trọng và không thể thiếu để hình thành một thị trường bất động sản lành mạnh. Con số gần 1 triệu thành viên trực thuộc Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) cũng đủ nói lên sức mạnh và vai trò của chuyên viên môi giới bất động sản tại thị trường này.
Ngành môi giới bất động sản Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển mới theo sự phát triển chung của thị trường. Tuy nhiên, vai trò của các môi giới vẫn chưa được thể hiện rõ trong việc tư vấn cho khách hàng, cũng như có tác động với các chủ đầu tư để định hướng các sản phẩm tốt hơn, sát hơn với nhu cầu thị trường.
Đa phần nhân viên môi giới hiện đang thiếu những kiến thức cơ bản của
một môi giới bất động sản chuyên nghiệp
Theo ghi nhận, suốt thời gian qua, số lượng môi giới bất động sản đã “rơi rụng” ít nhất khoảng 1/3. Những môi giới trụ lại với doanh nghiệp là những người đã phải chuẩn bị nguồn tài chính để “sống” trong vòng 6 - 9 tháng, chờ dịch đi qua, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lúc này. Họ là những người hy vọng “sau cơn mưa trời lại sáng”, doanh nghiệp nơi họ gắn bó sẽ hồi phục trở lại, họ sẽ là những nhân tố “sáng”, thuận lợi trên con đường nghề nghiệp của mình.
Mặt khác, có một thực tế không thể chối bỏ là hiện các sàn giao dịch bất động sản khi tuyển nhân viên môi giới đều không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn liên quan đến kỹ năng nghề nghiệp mà lại chú trọng đến kinh nghiệm bán hàng, nhiều đơn vị thậm chí không yêu cầu các kinh nghiệm, kiến thức về bất động sản mà chỉ cần “đam mê làm giàu, dám thử, dám đánh đổi”... Chính vì vậy, đa phần nhân viên môi giới hiện đang thiếu những kiến thức cơ bản của một môi giới bất động sản chuyên nghiệp về pháp luật, hợp đồng, trách nhiệm của người đại diện…
Theo ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Nhìn chung môi giới bất động sản ở Việt Nam có trình độ ở mức thấp, thiếu chuyên nghiệp và còn thiếu quan tâm đến các quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân được vị này đề cập tới là do hoạt động đào tạo, bài bản chuyên sâu cho người hành nghề chưa thực sự được quan tâm ở Việt Nam”.
Sự kiện “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam 2020” được tổ chức ngày 27/6 tới đây chính là dịp để những người làm nghề môi giới hội tụ, gắn kết và thảo luận về những câu chuyện của nghề môi giới bất động sản hiện nay, cũng như cách thức làm sao để nâng cao chuẩn mực nghề nghiệp, hướng đến hình thành một lực lượng môi giới chuyên nghiệp, lành nghề.
|
An An