Thị trường khách sạn gặp khó

Theo báo cáo quý II/2020 của Savills, tình hình kinh doanh khách sạn đang có đang có những dấu hiệu lao dốc bởi sự tác động nặng nề của COVID-19.
Thị trường khách sạn gặp khó - Ảnh 1.

Tình hình kinh doanh khách sạn gặp khó đặc biệt với các khách sạn 5 sao

Cụ thể, tại thị trường TP.HCM, không như kỳ vọng của những chuyên gia trước đó, công suất phòng quý II chỉ đạt 12%, giá phòng trung bình giảm 21% so với quý I. Tổng kết 6 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 47%, doanh thu lữ hành giảm 71% theo năm. Trên toàn thị trường TP.HCM, nguồn cung khách sạn giảm 23% bởi nhiều khách sạn tạm thời đóng cửa trong thời gian qua.

Cũng theo báo cáo của Savills, tại Hà Nội, 2 khách sạn 4 sao và 8 khách sạn 3 sao, chủ yếu ở khu vực trung tâm vẫn tiếp tục đóng cửa. Công suất khách sạn 3-5 sao là 21%, giảm 23% theo quý và 52% theo năm, giá phòng trung bình giảm 14% theo quý và 24% theo năm, xuống còn 85 USD/phòng/đêm.

Thị trường khách sạn gặp khó - Ảnh 2.

Công suất kinh doanh khách sạn tại Hà Nội cũng chỉ ở mức cầm chừng

Trong quý II, phân khúc khách sạn 5 sao dẫn đầu thị trường với công suất 25% và doanh thu phòng trung bình là 27 USD/phòng/đêm. Khách dài ngày và khách công tác tiếp tục là nguồn khách chính của phân khúc này.

Sự thiếu vắng khách du lịch dẫn tới hàng loạt các điểm tham quan và khách sạn phải đóng cửa trong tháng 4, doanh thu phòng trung bình khu vực trung tâm giảm 71% theo quý và 84% theo năm. Trong khi khu vực nội thành giảm 59% theo quý và 80% theo năm. Khu vực phía Tây có doanh thu phòng giảm 51% theo quý và 72% theo năm xuống còn 29 USD/phòng/đêm.

Theo ghi nhận thực tế của PV, hiện tại nhiều khách sạn tại Hà Nội vẫn trong tình trạng đóng cửa cài then bởi vắng bóng khách nước ngoài.

Không nằm ngoài "cơn lốc" của COVID - 19, tình hình kinh doanh khách sạn tại các TP du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc cũng không mấy khởi sắc dù đang trong mùa kích cầu du lịch.

Đơn cử như tại Đà Nẵng, thời gian gần đây không ít khách sạn đang được rao bán vì "nợ ngân hàng". Nguyên nhân được cho là do các chủ khách sạn tại đây phần nhiều phải vay 50 - 70% vốn từ ngân hàng. Tình hình dịch bệnh nửa năm qua đã khiến các chủ khách sạn này "kiệt sức", phải bán tài sản để xoay tiền trả nợ. Bởi lẽ, với tình hình dịch bệnh tại các nước chưa khởi sắc, đường bay quốc tế vẫn đóng cửa, họ không thể chờ đến thời điểm dịch bệnh ổn định.

Thậm chí, mới đây Khách sạn Sheraton Đà Nẵng cũng đã báo cáo doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng trong quý vừa qua và đây là quý thứ 10 liên tiếp đơn vị này báo lỗ. Đơn vị này cũng cho biết, từ 11/4 đến 15/6 khách sạn này đóng cửa và ngưng hoạt động nên doanh thu quý II chỉ dạt 2% so với cùng kỳ, trong khi đó mọi chi phí vận hành cố định dường như không thay đổi.

Hay tại Nha Trang, dọc nhiều tuyến phố trung tâm, tình trạng kinh doanh khách sạn cũng không mấy khởi sắc, ngay từ cuối quý I, hàng loạt khách sạn đã phải rao bán vì quá ế ẩm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phục hồi của thị trường khách sạn sẽ có cơ hội khởi sắc cho tới khi các chuyến bay quốc tế được mở cửa trở lại, khách du lịch Việt Nam sẽ chỉ có thể du lịch nội địa.

Tuy nhiên, việc mới đây phát hiện một ca dương tính với COVID-19 đang khiến dư luận hoang mang, hàng loạt khách hàng đã hủy chuyến, hủy tour du lịch tới Đà Nẵng. Các Hiệp hội du lịch và lữ hành đều xem xét hủy tour đi và đến TP này.

Chưa kịp phục hồi, việc phát hiện thêm bệnh nhân nhiễm COVID - 19 sẽ như một đòn đánh mạnh đến tình hình kinh doanh khách sạn của Đà Nẵng cũng như tạo nên tâm lý e ngại khi đi du lịch của khách du lịch nội địa.

TỪ KHÓA: khách sạn