Thị trường BĐS Trung Quốc vẫn khó khăn: Người dân không dám mua nhà, khủng hoảng có thể trở nên ‘mãn tính’

Thời điểm kinh tế bấp bênh khiến rất nhiều người trì hoãn kế hoạch mua nhà.
Thị trường BĐS Trung Quốc vẫn khó khăn: Người dân không dám mua nhà, khủng hoảng có thể trở nên ‘mãn tính’ - Ảnh 1.

Trong thời điểm kinh tế bấp bênh, He Ying và chồng đành trì hoãn kế hoạch mua căn hộ ở Quảng Châu.

“Tôi đã tiết kiệm trong suốt khoảng thời gian dài, nhưng năm nay thu nhập của chồng tôi rất bấp bênh”, He nói và kể rằng chồng mình đã phải đi quãng đường hơn 1.000 km đến tỉnh Chiết Giang vào tháng trước vì không thể tìm việc gần nhà. Hiện tại, cô vẫn ở với đứa con trai 2 tuổi ở Quảng Châu.

Giữa một thị trường bất động sản suy yếu chưa có dấu hiệu chạm đáy rõ ràng, He, giống như rất nhiều người dân Trung Quốc thuộc tầng lớp trung lưu khác, dường như không mảy may để tâm đến những cam kết của giới chức Bắc Kinh - những người muốn biến bất động sản và xe hơi trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Giá bất động sản đang giảm và ngày càng nhiều người trẻ chọn không kết hôn, mua nhà hoặc sinh con. Điều này khiến tôi nghĩ rằng mình không nên mua bất động sản trong năm nay và thay vào đó là giữ tiền mặt phòng trường hợp xấu”, He nói.

Hoạt động đầu tư bất động sản ở Trung Quốc đã giảm 8,5% trong 7 tháng đầu năm 2023 - mức giảm mạnh nhất trong năm khi hàng loạt các chỉ số yếu kém che mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế “khoảng 5%” của Bắc Kinh.

“Mối lo ngại lớn nhất là lĩnh vực bất động sản, nơi tình trạng sụt giảm vẫn đang tiếp diễn. Doanh số bán hàng cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, song vẫn giảm so với mức trung bình. Số lượng các dự án xây dựng mới chỉ bằng 37% so với năm 2019”, Gavekal Dragonomics cho biết trong một báo cáo. “Sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường việc làm và tiêu dùng”.

Kể từ khi Trung Quốc thắt chặt quy định với các nhà phát triển vào năm 2021, khủng hoảng bất động sản đã làm suy yếu sức khỏe nền kinh tế và thị trường tài chính. Vụ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của Evergrande hồi năm 2021 là một ví dụ.

Mới đây, nỗi sợ ngày càng dâng cao sau khi Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của đất nước, tạm dừng giao dịch một số trái phiếu trong nước. Công ty dự kiến ghi nhận khoản lỗ lên tới 7,6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm. Khách hàng dù có tiếp tục mua căn hộ của Country Garden cũng không thể bù đắp cho doanh thu thiếu hụt.

“Country Garden vỡ nợ có thể tác động tương tự như Evergrande, đơn giản vì nó quá lớn. Các nhà hoạch định chính sách chưa làm hết sức để củng cố niềm tin. Mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi chính phủ phản ứng”, Rosealea Yao, một nhà phân tích bất động sản tại Gavekal, nhận định.

Ren Zeping, chuyên gia kinh tế, hồi đầu tháng này đã kêu gọi sự minh bạch hơn trong thị trường nhà ở.

“Chúng ta cần có sự hiểu biết nhất định về các vấn đề của thị trường bất động sản. Đây là ngành công nghiệp trụ cột và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm. Cần có những nỗ lực mạnh mẽ để ổn định thị trường bất động sản”, ông Ren nói.

Thị trường BĐS Trung Quốc vẫn khó khăn: Người dân không dám mua nhà, khủng hoảng có thể trở nên ‘mãn tính’ - Ảnh 2.

Các nhà hoạch định đã nới lỏng các chính sách bất động sản kể từ cuối năm 2022. Hồi cuối tháng 7 năm nay, Bắc Kinh cũng công bố một loạt các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế tư nhân và khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến lo ngại rằng các chính sách này có thể không đủ mạnh để thúc đẩy sự phục hồi đáng kể.

Yu Qian, một giáo viên tiếng Anh, cùng chồng chuyển đến Trịnh Châu để tìm kiếm Gia đình nhỏ quyết định không mua nhà vào lúc này và chỉ thuê một căn hộ nhỏ với giá 2.100 nhân dân tệ (290 USD) một tháng.

“Chúng tôi cũng đang cân nhắc mua một căn hộ ở Trịnh Châu, nhưng cuối cùng lại nghĩ rằng giá bất động sản rất có thể sẽ giảm vào năm tới. Tính thanh khoản của thị trường cũng kém hơn nhiều so với trước đây”, Yu nói. “Bạn bè mua nhà trong vài năm qua đều hối hận về quyết định này”.

Cai Fang, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, đã cảnh báo những rủi ro xuất phát từ việc mất niềm tin vào tiêu dùng. Tình trạng này có thể trở thành “mãn tính” nếu không sớm được khắc phục.

Dĩ nhiên, vẫn có những người tiêu dùng lạc quan và Lin Suzhen - người đàn ông làm nghề tự do là một ví dụ.

“Tôi sẽ không cắt giảm ngân sách tiêu dùng của mình. Du lịch nước ngoài không dễ dàng, vì vậy tôi đi du lịch trong nước. Nếu Bắc Kinh có thể nới lỏng các hạn chế về biển số ô tô, tôi sẽ không ngần ngại chi 400.000 nhân dân tệ để mua một chiếc”, Liu nói.

Theo Cai Fang, kích thích tiêu dùng dân cư là mục tiêu “cấp bách nhất”. Ông cho biết chính phủ nên cho phép những lao động nhập cư ở nông thôn trở thành cư dân có hộ khẩu thành thị để giải phóng nhu cầu mới.

Năm 2019, ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết nhà ở chiếm gần 70% tài sản các hộ gia đình thành thị ở Trung Quốc. Eli Mai, giám đốc kinh doanh một công ty nước ngoài tại Quảng Châu, đã chứng kiến giá trị hai căn hộ của mình tăng từ 3,8 triệu nhân dân tệ từ năm 2016 lên 6,4 triệu nhân dân tệ vào năm 2017. Chúng đạt đỉnh 8 triệu nhân dân tệ vào năm 2021 và hiện có giá dưới 7 triệu nhân dân tệ.

 “Không ai biết nền kinh tế sẽ ra sao trong tương lai. Trong những trường hợp như vậy… bạn không nên đầu tư một cách hấp tấp”, ông Mai nói. “Hầu hết những người có nhà ở thời điểm hiện tại đều cảm thấy rằng tài sản của mình mất giá đáng kể. Điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và mức độ chi tiêu”.

Li Wei, freelancer ở Thâm Quyến, phải trả 18.000 nhân dân tệ mỗi tháng cho ba căn hộ được mua vào cuối những năm 2010.

“Trả khoản vay thế chấp bây giờ là một gánh nặng lớn đối với tôi”, người phụ nữ 34 tuổi có con nhỏ nói, đồng thời cho biết mình còn bị chậm trả lương.

“Công ty sản xuất trì hoãn thanh toán cho các nhà quảng cáo. Những người như chúng tôi gặp hạn”, Wei nói.

Theo: SCMP, The New York Times