Đó là tình cảnh đang diễn ra tại thị trường bất động sản Tp.HCM hiện nay khi mà tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Ghi nhận ở nhiều dự án BĐS đều rơi vào tình cảnh đìu hiu, nhiều công trường im ắng, các khuôn viên khuôn viên nhà mẫu, sàn giao dịch mua bán… đều trong tình trạng không một bóng người. Một số sàn hoạt động thì chỉ thưa thớt một số nhân viên sales trực hoặc ngồi ngóng khách.
Chỉ trong vài tháng qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Tp.HCM diễn biến một cách nhanh chóng và khó kiểm soát. Trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động xã hội gần như "ngủ đông", điều này đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh doanh nói chung và riêng thị trường BĐS.
Anh Nguyễn Văn L., nhân viên môi giới của một chủ đầu lớn tại Tp.HCM cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch, gần như cả 2 tháng qua anh L. không nhận được một cuộc gọi hỏi thăm dự án nào từ khách hàng, trong khi đó công ty nơi anh làm việc đang chạy 2 dự án cùng lúc nên đội rất nhiều chi phí về truyền thông.
Một mặt, khách hàng lo ngại nhiễm dịch bệnh, một mặt do tình hình dịch diễn biến phức tạp nhiều người lo sợ nếu xuống tiền cho BĐS vào lúc này sẽ không thể trở tay kịp khi bất ngờ mất đi thu nhập.
"Khoảng thời gian dịch bệnh, trong một số ngành nghề khác vẫn có thu nhập thì riêng nghề môi giới BĐS lại vô cùng khó khăn. Việc bán hàng vốn dĩ đã khó lại càng khốn khó hơn nhiều. Thậm chí, những khách hàng trước khi có dịch vẫn quan tâm đến dự án thì nay họ tỏ ra khó chịu khi nhận được sự chăm sóc của môi giới. Chúng tôi liên tục nhận được câu trả lời ‘dịch này mua bán gì nổi mà gọi làm gì em ơi’", anh L. cho hay.
Tương tự, chị H., đại diện một sàn môi giới trên địa bàn Tp.HCM cho biết, bắt đầu từ khi giãn cách công ty chị với hơn 100 nhân viên phải làm việc giãn cách tại nhà. Gần như mọi chi phí doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh, nhưng môi giới lại không thể bán được sản phẩm khiến công ty vô cùng khó khăn.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến thị trường BĐS rơi vào tình trạng đìu hiu và khó khăn như hiện tại, không chỉ Tp.HCM hầu như khắp các tỉnh thành đều không có giao dịch. Giá đất đóng băng, các dự án mới và cũ đều không thể ‘nhúc nhích’ vì không thể tiếp cận khách hàng", chị H. cho hay.
Cũng theo chị H., thời gian qua nhiều người cho rằng đây là thời điểm thích hợp để mua BĐS. Một số lý do thuận lợi như có cơ hội sở hữu nhà đất giá mềm nhất trong năm, hoặc nhân thời điểm thị trường vắng lặng là thời cơ vàng để lựa chọn được sản phẩm phù hợp túi tiền nhưng đáp ứng được các tiêu chuẩn của khách hàng. Thời điểm vắng khách, các môi giới và chủ đầu tư cũng chú trọng đến trải nghiệm khách hàng nhiều hơn để tạo được điểm nhấn.
Tuy nhiên, trên thực tế khi mà cả xã hội đang giãn cách, BĐS lại là sản phẩm khó khăn hơn nhiều bởi đây là mặt hàng đòi hỏi khách hàng phải tìm hiểu, sâu sát, thậm chí tham quan dự án nhiều lần rồi mới có thể đưa ra quyết định. Trong khi đó, dịch bệnh ngày càng phức tạp là lý do môi giới và khách hàng không thể làm việc trực tiếp với nhau, dẫn đến giao dịch gần như không xuất hiện, hoặc chỉ nhỏ giọt ở một vài dự án sở hữu vị trí đẹp.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp áp dụng hình như bán hàng online hoặc tổ chức tọa đàm, hội thảo, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi… cho khách hàng. Dù vậy, theo tiết lộ của một số môi giới thì việc tổ chức livestream hay các chương trình bán hàng online chỉ nhằm mục đích giữ nhịp thị trường và PR cho dự án, chứ thực tế việc bán hàng là gần như không thể.
Tình trạng này gần như đang diễn ra ở tất cả các phân khúc của thị trường, bao gồm các dự án căn hộ vốn dĩ hút khách nhất ở Tp.HCM.
Cũng theo một báo cáo của Savills mới đây, trong quý 2/2021, tổng nguồn cung, lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ của thị trường căn hộ ở Tp.HCM đều giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, trong 3 tháng của quý 2, nguồn cung sơ cấp giảm 25% theo quý và 18% theo năm, xuống mức thấp chỉ còn gần 3.700 căn. Savills cho rằng, nguồn cung hạn chế là do lượng căn hộ mở bán mới hạn chế và lượng hàng tồn kho thấp. Hơn nữa, thị trường cũng ghi nhận 10 dự án tạm dừng bán để điều chỉnh giá.
Đáng chú ý, trong quý này, thị trường cũng ghi nhận lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua. Cụ thể, tổng lượng giao dịch toàn TP.HCM là gần 1.400 căn, giảm 35% theo quý và 36% theo năm trong khi tỷ lệ hấp thụ ở mức 37%, giảm 5% theo quý và 10% theo năm.
Theo các chuyên gia, nếu tình hình dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, thì sẽ có khoảng hơn 1 nửa doanh nghiệp bất động sản lao đao vì cạn dòng tiền. Trong khi đó, đối với các môi giới hoạt động tự do cũng lâm vào cảnh thiếu thốn do không có thu nhập trong nhiều tháng liền. Đây là thời điểm cực kỳ khó khăn của thị trường và tình trạng này thậm chí còn có thể kéo dài đến năm 2022. Do đó các thành phần liên quan đến thị trường bất động sản sẽ cần phải lên phương án dự trù về dòng tiền để tiếp tục trụ lại, hoặc phải chấp nhận chuyển ngành nghề.