Đây là những gam màu xám trên thị trường bất động sản hiện tại, thị trường sẽ có một năm khó khăn.
Nhà đầu tư “cố thủ”
Nhận định về thị trường bất động sản quý 2 năm 2020, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
Trong quý 1 năm 2020, tổng lượng giao dịch bất động sản trên cả nước là 7.641 sản phẩm với tỷ lệ hấp thụ đạt 14,3%. Đây là lượng giao dịch thấp nhất trong 4 năm qua. Sự sụt giảm của thị trường bất động sản khá rõ rệt.
Nghỉ Tết kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến hầu hết các hoạt động trên thị trường bất động sản không diễn ra. Các dự án đang triển khai bị đình đốn, chậm tiến độ. Bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự biển là phân khúc ảnh hưởng “thê thảm” nhất của dịch bệnh.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến hầu hết các hoạt động trên thị trường bất động sản không diễn ra.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, trong dịch bệnh nhu cầu ở (người mua ở thực) không được ưu tiên như nhu cầu thiết yếu khác, người có nhu cầu mua nhà hoặc đổi nhà sẽ tạm dừng. Bất động sản với tư cách là một sản phẩm đầu tư thì do yếu tố dịch bệnh tác động đến tính thanh khoản nên nhà đầu tư sẽ e ngại.Trong báo cáo hoạt động chất vấn chuyên đề vừa gửi tới Quốc hội và các vị đại biểu quốc hội, Bộ Xây dựng dự báo thị trường bất động sản năm 2020 gặp nhiều khó khăn và tiếp tục suy giảm so với những năm trước đây.
“Thị trường bất động sản ít giao dịch, tính thanh khoản thấp không phải là nhà đầu tư không có tiền hay sản phẩm bất động sản giá cao mà do dịch bệnh khiến nhà đầu tư có tư tưởng co về chờ đợi. Giờ có “bơm tiền” vay với lãi suất 0% thì cũng không có người mua bất động sản, khi dịch bệnh đi qua thị trường bất động mới có khả năng phục hồi” - ông Ánh phân tích.
Nguồn cung hạn chế, tín dụng bị siết
Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản năm nay còn khó khăn khi nguồn tín dụng bị siết chặt hơn.
Thông tư 22/2019 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn với lộ trình cụ thể.
Từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2020, tỷ lệ này ở mức 40%, sau đó giảm theo lộ trình qua từng năm xuống còn 37%, 34% và bắt đầu từ ngày 1/10/2022 chỉ còn 30%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Chủ đầu tư dự án bất động sản và nhà đầu tư thứ cấp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng vì các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản và kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh nguồn tín dụng bị hạn chế, những vướng mắc pháp lý đang khiến các dự án bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng.
TPHCM gửi văn bản số 1255 cầu cứu Chính phủ “gỡ” vướng pháp lý dự án bất động sản. Khi các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, rà soát lại thủ tục pháp lý dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, những yếu tố pháp lý làm hạn chế nguồn cung mới ra thị trường. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án bất động sản mới chỉ đạt ở mức một con số trong quý 2 năm 2020./.