Thị trường bất động sản trầm lắng, môi giới khốn khó đi vay tiền

Sống dựa vào khoản hoa hồng giao dịch đất, đến thời điểm hiện tại, khi thị trường trầm lắng, một số môi giới rơi vào tình trạng khốn khó khi không có dòng tiền thu nhập đều đặn. Nhiều môi giới chia sẻ, họ đang cố gắng duy trì nhịp sinh hoạt thông qua khoản tiền vay mượn người thân.

“Tôi đang cầm cự đến Tết xem tình hình như thế nào sẽ tính toán công việc”, V.A (môi giới ở Hà Nội) cho biết. Ngay cả V.A cũng không thể ngờ rằng, chỉ mới hơn 8 tháng trước, cuộc sống của môi giới này vẫn sáng uống cà phê cùng bạn bè, chiều thong thả tập gym, ban ngày sắp xếp lịch đi xem đất hoặc thăm dò thị trường để đầu tư.

Tháng 3/2022, V.A vẫn kỳ vọng vào sức nóng lên của thị trường khi mạnh tay góp tới gần 1 tỷ đồng vào thương vụ “săn đất” ở Thái Bình. Ngoài số tiền vốn tự có, V.A còn mạnh dạy vay ngân hàng từ cuốn sổ hồng căn chung cư đang ở.

Nhưng tất cả đều không như dự tính của đội nhóm khi sóng đất không xuất hiện. Những lô đất đầu tư đều nằm “án binh bất động”. Ngay cả công việc môi giới đất nền các tỉnh và đất đấu giá vùng ven của V.A cũng rơi vào tình cảnh, khó tìm người mua để chốt giao dịch.

Số tiền tích luỹ dự phòng đã được V.A sử dụng hết. Khoản tiền lãi gốc ngân hàng mỗi tháng vẫn phải gánh thường xuyên.

“Hơn 3 tháng nay, tôi sống bằng tiền đi vay bạn bè. Số tiền dự phòng dành để trả lãi gốc ngân hàng. Thực sự chưa bao giờ rơi vào cảnh khó khăn này. Đến khoản trái phiếu đầu tư của tôi cũng gặp trục trặc và không thể rút ra. Tất cả kênh đầu tư đều “đóng băng”. Tôi đang đợi chờ đến Tết nếu thị trường không tốt, khả quan sẽ phải tìm tạm công việc có lương hàng tháng để chi trả các khoản chi phí”, anh V.A nói.

Không nằm ngoài tình cảnh tương tự như anh V.A, chị T. (chủ văn phòng môi giới ở Hà Đông, Hà Nội) cho hay, nếu như 6 tháng trước, văn phòng của chị lúc nào nườm nượp môi giới tới thì đến hiện tại, lượng môi giới chỉ đến lác đác.

“Bên chúng tôi chuyên đầu tư, môi giới đất đấu giá, đất dịch vụ, đất thổ cư ở khu vực Hà Đông. Trước, anh em môi giới của vùng đến khá đông vì giao dịch tốt. Nhưng khoảng 2 tháng nay, thị trường rất kém. Nhà đất ế ẩm lắm. Có nhiều căn nhà hạ giá mà rao bán 5 tháng không ai mua. Một số khu vực, nhà đất tồn nhiều, người mua rất ít.

Anh em môi giới gần như không có việc vì lượng khách hỏi ít, lượng chốt giao dịch giảm. Một số người không duy trì được thu nhập đang phải kiêm thêm vài việc khác chờ đợi xem thị trường đến Tết có khởi sắc hay không.

Có anh em môi giới mượn tiền tôi để chi trả khoản sinh hoạt nhưng nói thật cũng chỉ được 2-3 tháng. Về lâu dài, họ cũng buộc phải tính toán việc khác, và đợi thị trường ấm lại. Nhưng với tình hình lãi suất tăng cao như hiện tại, tôi nghĩ thị trường còn xấu đến hết năm nay”.

Theo giới chuyên gia, thị trường cuối năm 2022 được dự báo sẽ còn trầm lắng hơn những năm trước. Điều này sẽ tác động mạnh đến thu nhập của đội ngũ môi giới. Sự khó khăn của thị trườngd dến từ dòng vốn bất động sản gặp khó và lãi suất tăng khiến người mua nhà lo ngại về kịch bản xấu. Giá bất động sản có dấu hiệu chững lại.

Các chuyên gia của VARS đã đưa ra khuyến nghị rằng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua nhà để đầu tư phải được tính toán một cách thận trọng, hướng vào những sản phẩm phục vụ nhu cầu thực trên nền tảng phải cân nhắc kỹ càng những biến số vĩ mô, địa chính trị xung quanh, đề phòng thị trường sẽ có những diễn biến tiêu cực.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, thị trường bất động sản tới đây chỉ hướng tới nhu cầu thực chứ không còn đầu tư lướt sóng nữa. Bởi, nguyên nhân quan trọng nhất tác động trực tiếp đến thị trường là cung - cầu.

Ông Võ cho rằng, nhu cầu ở thực của người dân vẫn luôn hiện hữu. Dù thị trường có nhiều tác động thế nào thì bất động sản cho nhu cầu ở thực sẽ không bị tác động lớn, thậm chí vẫn tiếp tục tăng giá nếu nguồn cầu lớn. Đối với các khu vực đã từng sốt nóng, đầu tư mang tính chất đầu cơ, lướt sóng, các giao dịch sẽ chậm lại, giá có xu hướng đi ngang thậm chí có thể giảm. Nhưng với chung cư, thị phần này vẫn sôi động.