Tại một tọa đàm bất động sản mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã đặt ra lo ngại về diễn biến của thị trường địa ốc. Ông Hà nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam sụt giảm liên tiếp trong 3 quý đầu năm 2021. Bước sang quý IV, giai đoạn bình thường mới, thị trường địa ốc được kỳ vọng đi ngang nhưng vẫn sẽ thấp hơn so với các năm trước. Trong khi những năm khác, thị trường sẽ có quy luật tăng dần, khó khăn trong quý I và tăng trưởng tốt trong quý IV.
Vị Phó Chủ tịch VNREA cho rằng, quy luật của thị trường bất động sản sẽ đi theo chu kỳ, có lúc lên, có lúc xuống. Sự lên nhanh hay chậm phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế của mỗi quốc gia. Theo nghiên cứu, chu kỳ của thị trường bất động sản Việt Nam là khoảng 10 năm. Giai đoạn đỉnh cao của thị trường là năm 2018. Kể từ năm 2019, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu đi chậm lại. Đồng thời, bước sang năm 2020, Covid-19 xuất hiện càng làm thị trường sụt giảm mạnh.
Đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang phải chịu tác động kép mạnh từ tính chu kỳ và chính sách giãn cách. Vì dịch bệnh nên các dự án mở mới với số lượng rất thấp, dẫn tới nguồn cung sụt giảm. Đặc biệt ở Hà Nội và TP.HCM, các công trình xây dựng bị tạm dừng dẫn tới không có hàng mở bán.
Thực tế trước đó, không ít chuyên gia cũng từng đặt ra lo ngại về diễn biến của thị trường địa ốc trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi dịch bệnh vẫn còn có dấu hiệu bùng phát trở lại, ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư và cản trở đến kế hoạch xây dựng, mở bán của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở góc độ nhìn nhận lạc quan, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills cho rằng, thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện tại còn nhiều cơ sở lạc quan.
Theo đó, ông Khương dẫn chứng, kể từ khi thực hiện đổi mới nền kinh tế 1986 đến nay, cũng như nền kinh tế, thị trường bất động sản đã trải qua những thăng trầm. Giai đoạn 1997-1998, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường bất động sản Việt Nam rớt 30-40% giá. Đến năm 2011-2012, chỉ từ đêm đến sáng, lãi suất nhảy từ 12% đến quá 20%, room tín dụng vào bất động sản gần 40%. Giai đoạn này, lạm phát tăng phi mã, bất động sản bị thắt chặt, lãi suất tăng mạnh. Giá bất động sản rớt tới 30%.
Tuy nhiên, nhìn lại giai đoạn 2 năm vừa qua, cuối 2019-2020 có tác động về dịch bệnh, song, đặc điểm của thị trường bất động sản ở thời điểm này hoàn toàn khác giai đoạn 1997-1998 và 2011-2012. Theo đó, giá bất động sản không bị rớt. Theo ông Khương, liên quan đến mức giá bất động sản không bị rớt có nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Một trong số đó là khó khăn về pháp lý dự án dẫn tới nguồn cung trên thị trường hạn chế. Mặt khác, quỹ đất ở Hà Nội và TP.HCM trở nên khan hiếm nên biên độ giá trong thời gian vừa qua không có sự dịch chuyển đi xuống.
Vị chuyên gia đến từ Savills cũng cho biết thêm, bất động sản vẫn là kênh được mọi người quan tâm và là điểm nóng. Thị trường xuất hiện xu hướng mới. Đó là nếu như giai đoạn 2007-2008, một căn hộ có mức giá 2500 đô la là một điều kinh khủng thì đến nay, mức giá này đã không tồn tại trên thị trường. Muốn mua một căn hộ với mức giá 2500 đô la, nhà đầu tư phải về vùng ven. Giá bất động sản tăng mạnh trong thời điểm hiện là tại điều bình thường. Và đặc điểm của thị trường khác với những mốc trầm lắng của bất động sản giai đoạn trước.
Sau giãn cách, thị trường đang dần ấm lên. Người mua có nhu cầu ở thực, không phải thị trường ảo. Trong khi đó, thực tế, nguồn cung thị trường hạn chế. Thế nên vị chuyên gia này cho rằng, thị trường bất động sản khó xảy ra khủng hoảng như giai đoạn trước nhưng cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý.
"Thị trường bất động sản đã bắt đầu bừng sáng mặc dù dịch bệnh diễn ra" vị giám đốc cấp cao Savills nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên cũng nhận định, Chính phủ đang bàn thảo về gói hỗ trợ phục hồi cơ bản. Đó không phải gói cứu nguy, cấp cứu mà là gói hỗ trợ dài hạn và lớn nhằm xoay chuyển tình thế của nền kinh tế. Ông Thiên cho rằng, đây là cơ hội để thị trường bất động sản trỗi dậy và bùng sáng.