Sau 6 tháng tạm dừng, lúc 6h30 sáng 19-9, chuyến bay VN310 của Vietnam Airlines hành trình Hà Nội - Tokyo đã cất cánh an toàn từ Nội Bài. Đây là chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đầu tiên của Vietnam Airlines sau một thời gian tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngoài Vietnam Airlines, Hãng Vietjet Air đã công bố khai thác trở lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) từ ngày 29-9, trong khi Bamboo Airway khẳng định sẽ mở các đường bay Hải Phòng - Singapore, Hà Nội, TP.HCM - Melbourne trong quý 4-2020; mở đường bay Hà Nội,TP.HCM - London, Hà Nội, TP.HCM - Munich, Frankfurt trong quý 1-2021 ngay khi các nhà chức trách công bố phương án khai thác các tuyến bay quốc tế.
Với quyết định mở cửa lại một số đường bay quốc tế mới đây, các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phục hồi, kéo theo đó bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng trưởng trở lại sau nhiều quý liên tiếp tụt dốc.
Nói về tâm điểm trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng từ nay đến cuối năm, theo đánh giá của các chuyên gia, những thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh sẽ không có nhiều đột biến. Tuy nhiên, những vùng đất mới nơi đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ hạ tầng giao thông sẽ bứt phá mạnh mẽ. Theo đó, một trong những thị trường BĐS phát triển mạnh nhất từ nay đến cuối năm sẽ là Bình Thuận.
Tại Bình Thuận, một trong số những dự án hạ tầng đã và sắp triển khai đang có tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản Bình Thuận là sân bay Phan Thiết. Hiện dự án này đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh quy mô từ hơn 5.000 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng, trở thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau Sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.
Cùng với đó 2 dự án cao tốc Nha Trang-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây nằm trong dự án cao tốc Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã giải phóng mặt bằng được gần 50%. Trong năm nay, tỉnh sẽ gấp rút đền bù để bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, dự kiến trong quý 4/2020 sẽ khởi công dự án.
Ngoài ra, có 3 tuyến đường tỉnh Bình Thuận đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư để phát triển trọng điểm và cấp bách. Đó là đường ĐT719B Phan Thiết-Kê Gà, thiết kế dài 25,4km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Đường ĐT719 Kê Gà-Tân Thiện, thiết kế dài 32,4km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng. Đường ĐT711 có điểm đầu giao Quốc lộ 28 (huyện Hàm Thuận Bắc) cắt ngang Quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT706B, dài 41km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.
"Với những thời cơ cần và đủ trên, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Bình Thuận tăng tốc phát triển là điều khó tránh khỏi", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM khẳng định.
Tính đến thời điểm hiện tại, những quỹ đất đắc địa của Bình Thuận ngoài Mũi Né như Mũi Kê Gà, La Gi, Thắng Hải… đều đã được các ông lớn địa ốc như: Hưng Thịnh, TMS, Apec Group, VNGroup, TTC, Việt Úc, Hưng Lộc Phát, Danh Khôi… săn lùng gom trước đó để triển khai các siêu dự án trong thời gian tới. Trong đó cũng phải kể đến 2 dự án có quy mô khá lớn của "ông lớn" Novaland là Novabeach Mũi Né và Novaworld Phan Thiết có diện tích hơn 1.200ha.
Cùng với đó, dự án Tổ hợp Đô thị nghỉ dưỡng và Thể thao biển Thanh Long Bay có quy mô 90.3 ha tại Mũi Kê Gà (Hàm Thuận Nam) của Tập đoàn Nam Group vừa được khởi công xây dưng cũng dự kiến đi vào vận hành vào năm 2023, gồm 16 phân khu với đa dạng loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm thể thao biển quy mô hàng đầu Việt Nam, trung tâm chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi trẻ em; quảng trường biển quy mô 2.1 ha, cảng du thuyền quốc tế.... Trong đó, phân khu nhà phố thương mại biển The Sound by Thanh Long Bay là phân khu đầu tiên được thi công, chuẩn bị được Nam Group ra mắt trong tháng 10/2020.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư mới cũng đang cấp tập săn đất tại Bình Thuận. Mới đây nhất, 2 tập đoàn đầu tư hàng đầu Việt Nam đến làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thể hiện mong muốn phát triển dự án Khu dân cư - dịch vụ du lịch giải trí tại xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình quy mô 868,5ha, dân số khoảng 45.000 người ngay sau khi UBND Bình Thuận ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng.
Lý giải về cuộc bùng nổ dự án quy mô tỷ USD tại Bình Thuận, các chuyên gia đều cho rằng trước hết quỹ đất ven biển của tỉnh này đang còn khá lớn, mang nhiều lợi thế cạnh tranh, chứa đựng những yếu tố mới và hiện đại. Thứ hai, Bình Thuận đang tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng một mạng lưới giao thông liên kết vùng quy mô khá lớn.
Bên cạnh đó, định hướng của tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới là chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ, năng lực tài chính mạnh, có tâm và tầm nhằm kiến tạo, xây dựng các khu đô thị, tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và thể thao đẳng cấp. Làm sao để kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần. Bình Thuận cũng đang thực hiện chiến lược phát triển BĐS nghỉ dưỡng về hướng Nam, lấy vùng biển Kê Gà - Hòn Lan làm tâm điểm phát triển và kêu gọi đầu tư.