Thị trường bất động sản cần giải pháp kích cầu

Cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lần này được đánh giá là nghiêm trọng hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. Thị trường BĐS bị ảnh hưởng lớn, cần xây dựng các gói giải pháp, chính sách kích cầu sẽ áp dụng nội tại trong doanh nghiệp và trong mối liên kết ngành.

Chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land cho hay, có thể doanh nghiệp BĐS phải chấp nhận sống chung với dịch bệnh có thể tiếp diễn trong năm 2022, khi đó chính phủ cần xem xét để có đánh giá, khoanh vùng và mở cửa hoạt động từng bước, tránh tình trạng nền kinh tế bị tê liệt kéo dài sẽ gây hệ lụy không nhỏ cho các bên.

Trong tình huống đó doanh nghiệp phải đối mặt với tình huống cực kỳ khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ kéo dài. Với kịch bản xấu hơn này chắc chắn chính phủ phải có những giải pháp trợ lực khẩn cấp cho doanh nghiệp, thủ tục nhanh chóng như khoản vay trả lương và các chi phí duy trì hoạt động, chính sách về thuế, các ưu đãi về giảm lãi suất vay hoặc giãn nợ vay và các chính sách an  sinh xã hội khác sẽ tiếp thêm nguồn lực kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cam go này để có cơ hội hồi phục sau khi dịch bệnh qua đi.

Trước đó, vị CEO này cũng đã chia sẻ, các DN BĐS cần xem xét đánh giá thiệt hại của doanh nghiệp mình và nguồn lực hiện tại có thể duy trì và phát triển. Đồng thời,  đánh giá nhu cầu và thị trường mục tiêu, doanh thu kỳ vọng trong chiến dịch kích cầu; có kế hoạch tái cơ cấu, khôi phục nội lực, các nguồn lực cần chuẩn bị và cần huy động phục vụ cho mục tiêu đã đặt ra.

Cùng với đó, cần xây dựng các gói giải pháp, chính sách kích cầu sẽ áp dụng nội tại trong doanh nghiệp và trong mối liên kết ngành; có chiến lược kinh doanh, tiếp thị cần triển khai để đạt được mục tiêu mong muốn.

"Kích cầu thành công sẽ tạo nên sức sống mới cho guồng máy kinh tế vận hành, bài toán dòng tiền được giải quyết và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển sau đại dịch. Đây cũng là giải pháp được chính phủ các nước áp dụng để vượt qua thời kỳ khó khăn do suy thoái kinh tế. Khi đó niềm tin của thị trường sẽ quay trở lại, các hoạt động tái đầu tư vào nền kinh tế sẽ diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn:, bà Hương nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản cần giải pháp kích cầu - Ảnh 1.

Chia sẻ trên báo chí, ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA cho hay, nếu như Chính phủ chỉ giảm lãi suất, giãn nợ cho doanh nghiệp thì chưa đủ để thị trường bất động sản hoạt động tốt trở lại. Bên cạnh các chính sách nói trên, Chính phủ cần có thêm gói "kích cầu" cho người mua, doanh nghiệp tương tự như gói 30.000 tỷ trước đây. Bởi vì doanh nghiệp được giảm lãi suất, giãn nợ nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh không có gì khởi sắc do không có người mua thì họ vẫn tiếp tục khó khăn. Do đó thêm gói hỗ trợ cho người mua nhà sau dịch là rất cần thiết.

Mới đây, Sở Xây dựng Tp.HCM cũng có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Theo đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng chưa cần phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ dự án nhưng đã có quyết định giao đất và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với dự án hoặc một phần dự án được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để xây dựng và khai thác mà không cần chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, y tế, trung tâm thương mại (không phải là nhà ở)… Ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo giao dịch bất động sản minh bạch lành mạnh.

Mới đây, Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng đề nghị Bộ Xây Dựng và các ban ngành liên quan quan tâm xem xét, trình Chính Phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản, nhà môi giới bất động sản gặp khó khăn bởi dịch Covi - 19, cụ thể.

Bổ sung nhóm ngành bất động sản trong đó có ngành dịch vụ môi giới bất động sản cần được xác định là nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ từ chính sách của nhà nước.

Được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản BHXH, các nghĩa vụ khác đối với nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền trong chống dịch. Cụ thể là bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào "Điều 2. Đối tượng áp dụng" trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính Phủ.

Sớm ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp Sàn giao dịch bất động sản có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực cho phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi Covid 19.

Thúc đẩy mạnh hơn, nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư nhằm cải thiện giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư bất động sản làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư cho toàn xã hội.