Không khó để nhà đầu tư nhận thấy công cuộc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ là cải cách hành chính đơn thuần, mà còn hướng đến mục tiêu tạo ra những đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn, đủ tầm phát triển và kết nối. Đây chính là cơ sở để nhiều địa phương trở thành mảnh đất màu mỡ cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “bén rễ xanh cây”.
TPHCM là minh chứng sống động. Tính lũy kế đến hết tháng 5-2025 (chưa tính đến các địa phương mới được hợp nhất), TPHCM đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI, với hơn 59,7 tỷ USD vốn đăng ký. Do Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (lần lượt thu hút được gần 42,9 tỷ USD và gần 38,2 tỷ USD) cũng có mặt trong tốp 10 địa phương đầu bảng về thu hút FDI, nên trong “bảng tổng sắp” mới, TPHCM chắc chắn vẫn ở ngôi đầu với lũy kế hơn 140 tỷ USD, chiếm 28% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực của cả nước.
Sau sắp xếp, TPHCM đã trở thành một “siêu đô thị” với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, tổng diện tích gần 6.800km² và khoảng cách giữa hai điểm xa nhất trên địa bàn ước khoảng 200km theo đường bộ (tính theo trục Bắc - Nam). Vốn đã là trung tâm tài chính, thương mại, đổi mới - sáng tạo lớn nhất cả nước, giờ đây, với sự bổ sung của gần 40 khu công nghiệp (KCN) từ Bình Dương (cũ), TPHCM có tới gần 60 KCN, kể cả KCN với ngành nghề “truyền thống” lẫn KCN kinh tế số, đổi mới - sáng tạo.
Thêm Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) góp mặt với các mỏ dầu khí lớn và cơ sở hạ tầng phục vụ thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, “sức mạnh dầu khí” của TPHCM được cộng hưởng cùng với hàng loạt công ty dầu khí vốn đã đứng chân trên địa bàn, như: VietsoPetro, PV Oil, GAS, PVEP (lĩnh vực thăm dò và khai thác), PTSC (dịch vụ kỹ thuật), PVD (khoan và dịch vụ dầu khí), PSV (dịch vụ tổng hợp dầu khí), PV Trans (vận tải dầu khí)…
Về giao thông, cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất với các nhà ga T1, T2, T3, sân bay Long Thành (dù ở Đồng Nai nhưng khoảng cách đến trung tâm TPHCM chỉ hơn 40km) cùng các cảng biển như Cát Lái (cảng lớn nhất Việt Nam); Cái Mép - Thị Vải (cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam); Cần Giờ, Tân Cảng (bao gồm các khu vực Phú Hữu, Hiệp Phước); cảng container quốc tế Tân Thuận…, TPHCM là trung tâm logistics quốc tế tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các trung tâm logistics lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, TPHCM còn được bổ sung thế mạnh về du lịch biển đảo với các bãi biển Vũng Tàu, Hồ Tràm, Long Hải, Bình Châu, Cần Giờ và Côn Đảo.
Để biến những tiềm năng to lớn kể trên thành tăng trưởng nói chung và hiệu quả thu hút FDI nói riêng, TPHCM đã làm nhiều việc, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm. Để đẩy nhanh việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, TPHCM đang hoàn thiện các quy định liên quan đến danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Thành phố đã cam kết giảm mạnh thời gian xử lý hồ sơ đầu tư. Chẳng hạn, thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc; cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 3 ngày còn 1 ngày làm việc. TPHCM cũng chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư, đồng thời kiến nghị sửa đổi hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có thể triển khai giải quyết thủ tục hành chính toàn trình với hồ sơ dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu bộ máy chính quyền sau sắp xếp triển khai mọi việc trôi chảy, nhịp nhàng, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng một mùa quả ngọt từ “vườn” FDI của TPHCM, bất chấp bối cảnh quốc tế có nhiều thách thức.