Thấy tín hiệu thị trường khởi sắc, nhà đầu tư dừng cắt lỗ, chờ giá bất động sản tăng

Một số nhà đầu tư thay đổi kế hoạch cắt lỗ bất động sản, chuyển hướng chờ thị trường hồi phục và sôi động trở lại để thanh khoản sản phẩm.
Thấy tín hiệu thị trường khởi sắc, nhà đầu tư dừng cắt lỗ, chờ giá bất động sản tăng - Ảnh 1.

Tâm lý lo ngại diễn biến xấu của thị trường địa ốc tiếp tục diễn ra đang dần bị xoá nhoà khi hàng loạt tín cực trên thị trường đã xuất hiện.

Anh Nguyễn Đức Thành (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện có lô đất tại Móng Cái, Quảng Ninh, diện tích hơn 60m2. Năm 2021, anh Thành mua với giá 2,7 tỷ. Mức giá này rẻ hơn so với mặt bằng thị trường do nhờ người quen tìm và đàm phán giá tốt. Để mua lô đất này, anh Thành phải vay 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2202, thị trường gặp khó. Công việc đầu tư xưởng nội thất của anh Thành cũng rơi vào tình cảnh chật vật cho khoản nợ khó đòi gia tăng. Anh Thành rao bán nhưng ngay cả khi cắt lỗ 300 triệu đồng, anh vẫn không tìm được người mua.

Đến hiện tại, anh Thành quyết định dừng bán. “Tôi đang thấy thị trường tốt lên. Tôi chờ giá hồi với tăng nhẹ sẽ đẩy bán. Khi đó, việc bán cũng trở nên thuận tiện hơn”. Cũng theo anh Thành, tín hiệu tích cực khác mà anh đang quan sát và chờ đợi đó là dự án của "ông lớn" bất động sản đang tung hàng. Anh Thành kỳ vọng, sự kiện này sẽ hâm nóng thị trường, đẩy giao dịch gia tăng.

Tháng 4/2023, chị Trần Vân (Hoài Đức, Hà Nội) rao bán lô đất đấu giá ở Ninh Giang, Hải Dương. Đến tháng 7/2023, rao bán nhiều lần không thành, chị Vân quyết định báo môi giới không rao.

“Tôi xoay được tiền để giải quyết 1 số khoản nợ. Còn đất, tôi giữ để chờ thị trường tốt mới bán. Giờ bán cũng lô 100-200 triệu đồng. Bán ở thời điểm này, khách hàng cũng ép giá mạnh. Tôi dự đoán 6-12 tháng nữa, tôi sẽ đẩy bán lại nếu thị trường hồi phục tốt. Lô đất của tôi khá đẹp nên nếu bán cắt lỗ giờ khá tiếc”, chị Vân nói thêm.

Tâm lý của anh Thành, chị Vân không phải là trường hợp hiếm gặp. Anh Ngọc (môi giới nhà đất vùng ven Hà Nội) cho biết: “Nhiều khách của tôi đang dừng bán. Thậm chí, một số khách bắt đầu tăng giá trở lại. Nếu như họ xoay được tiền, không còn quá áp lực nợ, họ đều dừng bán trong thời điểm thị trường xấu”.

Cũng theo anh Ngọc, các nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường sớm sôi động trở lại khi thông tin lãi suất đang dần hạ, các động thái của Chính phủ khiến niềm tin vào đầu tư gia tăng trở lại.

Phân tích sâu về diễn biến của những nhà đầu tư, anh Ngọc chỉ ra rằng: “Nhà đầu tư muốn bán gấp khi đang cần tiền xử lý khoản nợ. Hoặc nhà đầu tư lo ngại, thị trường xấu, giá sẽ còn tiếp tục đi xuống nên muốn thanh khoản ngay. Tuy nhiên, khi thị trường trầm, việc rao bán bị khách ép giá khiến chủ đất khó chịu. Chưa kể, khi bị ép giá liên tục, bị cò cưa và chê lô đất, nhiều chủ đất sẽ từ chối bán. Thế nên, khi thị trường có tín hiệu tốt, xác định có thể tiếp tục gồng gốc lãi, nhà đầu tư sẽ đợi, thay vì cắt lỗ hay bán hoà”.

Một báo cáo tâm lý người tiêu dùng của Batdongsan.com.vn cho biết, chỉ có 22% nhà đầu tư gặp khó về tài chính mới buộc phải sang nhượng giải quyết vấn đề. Số còn lại thuộc về nhà đầu tư muốn cơ cấu lại danh mục hoặc không có nhu cầu sử dụng. Bởi tệp bán thoát hàng do khó khăn về tài chính không cao nên phần lớn người sở hữu bất động sản muốn giao dịch có lời.

Khảo sát của đơn vị này ghi nhận, khoảng 42% người sở hữu bất động sản mong muốn giao dịch với lợi cao hơn giá mua vào ít nhất 10%; 38% nhà đầu tư sẵn sàng bán với lợi nhuận chênh lệch từ 2 đến dưới 10%; khoảng 16% chấp nhận giảm giá bán từ 5 - 20% để thoát hàng. Trong đó, tỷ lệ nhà đầu tư chấp nhận mức giảm giá trên 20% chỉ chiếm khoảng 3%.