Thấy khách đến xem đông, chốt giá nhanh, chủ nhà bất ngờ "quay xe" không bán tăng giá

Một số chủ nhà bất ngờ "quay xe" không bán dù khách hàng đã chốt mua với mức giá đã rao ban đầu. Thậm chí, thấy khách tới xem đông, chủ nhà còn tăng giá.

(Ảnh minh hoạ)

Chật vật dẫn tới hơn 10 khách đến xem căn nhà trong ngõ ở Cầu Giấy, anh H.C (môi giới) bức xúc vì đến khi khách chốt mua, chủ nhà lại "quay xe". Theo anh H.C, đầu tháng 12, chủ căn nhà đất trong ngõ ở Cầu Giấy nhờ anh rao bán căn nhà đất, diện tích gần 40m2 với giá 4,8 tỷ đồng. Đánh giá đây là căn nhà đất có vị trí đẹp, không phạm phong thuỷ, mức giá hợp lý, anh H.C lựa chọn tư vấn cho một số khách "net" có nhu cầu ở thực.

Nhà đất tại Hà Nội tăng giá.

"Sau hơn 1 tuần, trong số 11 vị khách tới xem, một đôi vợ chồng trẻ chấp nhận trả 4,8 tỷ đồng. Chủ nhà gia lộc thêm 30 triệu đồng. Tức vị khách này trả sát giá so với chủ nhà đưa ra. Nhưng khi thấy chỉ chưa đầy 10 ngày, khách tới xem đông. Đặc biệt, có khách chốt ngay lập tức với mức giá gần sát, chủ nhà thông báo với tôi và khách: Không nhận cọc vì giá rẻ quá. Họ tăng thêm 500 triệu đồng. Tức giá căn nhà lên tới 5,3 tỷ đồng", anh H.C kể lại bức xúc.

Rơi tình cảnh tương tự, anh Thái (môi giới chuyên nhà đất ở khu vực nội thành) cho biết, đầu tháng 11/2023, chủ căn nhà đất nằm ở quận Động đa chào bán căn nhà rộng 32m2 với giá 3,8 tỷ đồng. Đánh giá về tổng thể căn nhà, anh Thái cho biết: Căn nhà nằm trong ngách rất sâu, đã xây gần 20 năm. Nội thất bên trong đã cũ. Nếu chủ mới đến ở, phải chi thêm ước tính 200-300 triệu để sơn sửa. Thế nên, nhiều môi giới dẫn khách tới xem đông nhưng khách chê vì giá đắt. Sau hơn một tháng rao bán, anh Thái tư vấn lại cho chủ nhà những vấn đề mà các khách chê. Theo thỏa thuận, anh Thái và chủ nhà chốt giá 3,5 tỷ đồng thu về. Tuy nhiên, một tuần sau, anh Thái tìm được một vị khách chốt với giá 3,5 tỷ đồng. Đến khâu nhận cọc, chủ nhà "quay xe" và không đồng ý bán.

"Gia chủ còn cho rằng đây là chiêu trò của tôi, cố tình ép giá để bán nhanh, chốt lấy hoa hồng. Nhưng thực tế, căn nhà này đã xuống cấp, nằm trong ngõ sâu dù ở trung tâm nội thành Hà Nội. Những gia đình trẻ hầu hết đều không ưng. Thông thường, căn nhà đẹp trong nội thành, giá hợp lý dưới 4 tỷ đồng đều thanh khoản nhanh vào thời điểm cuối năm", anh Thái nói thêm.

Ông Trần Minh (CEO công ty bất động sản ở Hà Nội) thừa nhận: Tình trạng chủ nhà "quay xe" tăng giá khi thấy khách đông đang xuất hiện. Vị này đánh giá, so thời điểm giữa năm, lượng khách hàng chốt mua nhà tăng 50-60%. Thậm chí, nhiều căn nhà được chốt chỉ sau 1-2 tuần rao bán. Đây là tình trạng hiếm gặp kể từ giữa năm 2022 đến tháng 8, tháng 9 năm 2024.

Ông Trần Minh phân tích: Về thị trường, lãi suất cho vay giảm nhiệt sâu nên người mua tự tin xuống tiền. Thứ hai, họ dự đoán về khả năng hồi của giá bất động sản trong năm 2024.

"Thực tế, nhà đất trong ngõ luôn có giao dịch vì đáp ứng nhu cầu ở thực của các gia đình. Khi giá chung cư tăng mạnh như hiện nay, giá nhà đất trong ngõ từng giảm và đi ngang thì xu hướng lựa chọn loại hình này có xu hướng tăng trở lại", ông Minh nói. "Về phía người bán nhà, tâm lý của họ là thu về mức càng nhiều càng tốt. Thấy khách đến xem đông, giá chốt nhanh chóng, tất yếu họ cho rằng, thị trường nhà đất đã sốt trở lại. Đây là lý do lớn khiến họ nghĩ: 'Chẳng tội gì mà chấp nhận bán rẻ'. Sau gần 2 năm thị trường trầm lắng, những tệp khách hàng rao bán nhà giai đoạn này phần lớn không thuộc nhóm khách cần tiền gấp trả nợ mà họ muốn chuyển đổi mua căn nhà đất hoặc căn chung cư".

Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc Mland Pro cũng nhận định: Do thị trường bất động sản nội đô hồi sức nên hiện tượng chủ nhà, chủ đất "quay xe" không bán, chờ tăng giá đã bắt đầu xuất hiện và lan rộng.