Theo các chuyên gia trong ngành, đây là thời điểm "vàng" của BĐS công nghiệp khi hàng loạt yếu tố thuận lợi đang cùng lúc hỗ trợ cho thị trường này phát triển mạnh mẽ. Theo đó, các BĐS liền kề khu công nghiệp ở một số thị trường cũng hưởng lợi rõ nét từ yếu tố này. Nhu cầu an cư cũng như đầu tư vì thế có dấu hiệu tăng rõ nét.
Việt Nam được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới. Theo đó việc thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Nhất là sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt so với các quốc gia khác, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, đặc biệt dòng vốn FDI dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đã và đang ngày một rõ nét hơn.
Theo các chuyên gia, BĐS công nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn và tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế.
Trước làn sóng dịch chuyển công nghiệp, BĐS liền kề các KCN trên địa bàn đang được hưởng lợi theo
Theo báo cáo của Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số khu công nghiệp được thành lập trên cả nước đến thời điểm tháng 11/2019 là 335 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 96,5 nghìn ha, trong đó 256 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 75%.
Lũy kế đến hết tháng 11/2019, các khu công nghiệp, khu kinh tế cả nước thu hút được 9.381 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%, tạo việc làm cho gần 3,85 triệu lao động trực tiếp. Tổng doanh thu đạt khoảng 235 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 142 tỷ USD, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây chính là lực kéo quan trọng và là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Theo khảo sát của Vietnam Report, BĐS khu công nghiệp sẽ là điểm sáng hiếm hoi của thị trường BĐS năm 2020 và các năm tới. Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế thế giới khiến chuỗi cung ứng quốc tế thay đổi, chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sẽ sang các nước ASEAN mà Việt Nam được coi là đầu tàu, cùng với đó, dòng vốn FDI vào BĐS vẫn chiều hướng gia tăng.
Thêm nữa,một khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta là vô cùng lớn, cộng với những lợi thế từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia đánh giá, BĐS liền kề khu công nghiệp sẽ nắm lợi thế rất lớn.
Ghi nhận cho thấy, nhiều khu vực trong cả nước có lợi thế cảng biển và có khu công nghiệp hiện hữu đã và đang tập trung nguồn lực tốt để đón đầu sóng dịch chuyển sản xuất từ các tập đoàn nước ngoài lớn. Ở thị trường khu vực phía Nam, Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang được xem là một trong các khu vực nổi bật trong làn sóng này.
Sự hiện diện của các dự án, khu công nghiệp lớn trong khu vực này đã và đang đẩy nhu cầu về nhà ở và nhà cho thuê tại Phú Mỹ lên cao. Trong đó, các dự án BĐS liền kề cụm khu công nghiệp đang có lợi thế rất lớn, đón đầu làn sóng nhà ở của đối tượng công nhân, chuyên gia nước ngoài, kỹ sư...
Đây vốn là là nơi tập trung công nghiệp nhiều nhất Bà Rịa Vũng Tàu. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh này có 15 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 8.800 ha. Hầu hết các khu công nghiệp thuộc địa bàn Thị xã Phú Mỹ nằm liền kề với hệ thống sông Thị Vải - Cái Mép có khả năng đón tàu có trọng tải đến 200.000 tấn. Cảng này có thể khai thác được những con tàu trọng tải lớn và vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến các nước Âu - Mỹ mà không phải qua các trạm trung chuyển quốc tế. Tổng diện tích đất thuê trong các khu công nghiệp là 2.677 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 71%. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các KCN chiếm đến 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (trừ dầu khí). Như vậy, đây là nguồn cầu rất lớn cho thị trường BĐS trong tương lai.
Hoạt động đầu tư, mua bán đã rục rịch trở lại thị trường này sau thời điểm dịch được kiểm soát. Ảnh: Hạ Vy
Phú Mỹ cũng đang được nhắc đến nhiều với loạt "điểm sáng" về hạ tầng giao thông kết nối. Đây là khu vực có lợi thế khi kết nối trực tiếp sân bay quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép. Chưa kể, loạt tuyến đường đã được mở rộng để kết nối thuận tiện với các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam như: Tuyến quốc lộ 51 đi qua 15 khu công nghiệp trong tỉnh; quốc lộ 56 rút ngắn thời gian vận chuyển từ các khu công nghiệp và hệ thống cảng biển Cái Mép - Thị Vải ra tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bên cạnh đó, đường vành đai 4, vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức - Long Thành kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, đường cao tốc xuyên Á đã và đang hoàn thiện là yếu tố giúp kết nối giao thương cho địa phương này. Theo các chuyên gia, lợi thế hạ tầng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS công nghiệp nói chung, BĐS nhà ở nói riêng tại khu vực này.
Chính những lợi thế về BĐS công nghiệp, hạ tầng giao thông đã và đang kéo theo sự nhộn nhịp của BĐS nhà ở liền kề các khu công nghiệp phát triển theo. Sau dịch Covid-19, thị trường BĐS Phú Mỹ đã rục rịch trở lại. So với các khu vực vệ tinh của Tp.HCM thì BĐS Phú Mỹ được các nhà đầu tư quan tâm bởi giá còn mềm, tiềm năng tăng giá còn lớn.
Theo ghi nhận, nếu các khu vực giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai giá trung bình các BĐS hầu hết đều ở ngưỡng 15 - 20 triệu đồng/m2 thì tại Phú Mỹ giá BĐS rơi vào mức từ 6.5-8 triệu đồng/m2. Theo đó, việc sở hữu BĐS tại đây với các NĐT, hay những người mua ở thực có dòng vốn khiêm tốn vẫn còn khá dễ dàng.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, sau thời điểm dịch Covid-19 dòng tiền của NĐT có xu hướng an toàn hơn, họ quan tâm nhiều đến các dòng sản phẩm đã có sổ, pháp lý rõ ràng, các dự án khoảng cách hợp lý đến các tiện ích như sân bay, cảng biển…nhằm đón sóng nhu cầu ở thực về, hình thành nên các cụm khu dân cư trong tương lai.