Thanh khoản tăng trở lại nhưng thị trường địa ốc còn rất nhiều khó khăn

Diện mạo của thị trường bất động sản đã có sự đổi thay rõ rệt so thời điểm đầu năm 2023. Nhưng thực tế, thách thức của thị trường vẫn còn lớn. Doanh nghiệp chật vật trong thanh khoản, tình trạng cắt giảm và nợ lương vẫn xảy ra.

Trải qua gần 2 năm khó khăn khi thanh khoản sụt giảm nhanh chóng, giá bất động sản đi xuống, thị trường địa ốc đã bắt đầu có diện mạo thay đổi mới nhờ hàng loạt các tín hiệu tích cực từ động thái gỡ khó của Chính phủ. Nhiều dự án bất động sản lớn được tháo gỡ về pháp lý. Các chính sách khơi thông dòng vốn cho thị trường tiếp tục đẩy mạnh. Một trong những tín hiệu tích cực nhất đó chính là mức lãi suất giảm. Nhờ loạt tín hiệu tích cực, thị trường bắt đầu thay đổi cục diện.

Kể từ thời điểm đầu quý III/2023, thanh khoản thứ cấp có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại. Lượng nhỏ các nhà đầu tư bắt đầu đổ tiền bắt đáy. Trong khi đó, thị trường cũng bắt đầu sôi động với hàng loạt các dự án bung hàng. Tỷ lệ hấp thụ tại một số dự án đã nhen nhóm khởi sắc.

Song, theo một nhà đầu tư có tới 10 năm kinh nghiệm đến từ Đà Nẵng, anh P.P nhận định: “Thị trường vẫn còn rất khó khăn. Thanh khoản thứ cấp rất chất vật. Lượng giao dịch xảy ra túc tắc với loại hình chung cư hoặc nhà phố… đáp ứng nhu cầu ở thực, có khả năng tăng giá tốt trong tương lai. Phần lớn các nhiều văn phòng môi giới vẫn án binh bất động, chưa hoạt động trở lại. Những sàn trụ lại chỉ giữ vài người chủ chốt. Nhưng họ chấp nhận lương cắt giảm hoặc ăn theo hoa hồng”.

Vị này cũng tiết lộ, ngay cả các dự án mở bán, lượng thanh khoản quá thấp không đủ thu dòng tiền về, đáp ứng chi phí quảng cáo, nhân sự cho chính doanh nghiệp và ngay cả với các sàn phân phối. “Thanh khoản tuy trở lại nhưng thị trường vẫn còn rất nhiều khó khăn”.

Chung nhận định, lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đến từ Hà Nội thừa nhận: “Chúng tôi chỉ đang hoạt động trạng thái duy trì. Công ty vẫn chỉ còn lại lãnh đạo và 2 nhân viên sale. Đến hiện tại, nhiều công ty mới bắt đầu “thấm” do hết tiền dự trữ. Dù giao dịch sơ cấp hay thứ cấp tăng nhưng không đủ cho chi phí duy trì hoạt động. Nhiều nhân viên làm việc trong công ty bất động sản vẫn đang đối mặt với chính sách giảm lương, cắt nhân sự. Thị trường hiện tại mới hồi khoảng 20-30% so thời điểm sôi động và chỉ nhỉnh so giai đoạn “ngủ đông”. Trong khi đó, tính đến nay, thị trường đã trải qua giai đoạn khó khăn gần 2 năm, thanh khoản chậm chạp”.

Vị này cũng kỳ vọng, năm 2024, thị trường sẽ sáng hơn. Thanh khoản tăng trở lại sẽ mang đến dòng tiền mới.

Nhận định từ đơn vị nghiên cứu thị trường khác ghi nhận, nhu cầu tìm kiếm bất động sản đang có những chuyển biến tích cực thấy rõ trong tháng 8. Tuy nhiên, tỷ lệ xuống tiền mua thực tế thấp.

Kinh tế khó khăn và diễn biến phức tạp của tình hình tài chính toàn cầu đang khiến người mua thận trọng dù lãi suất giảm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản chưa có tín hiệu hồi phục rõ ràng, “sức khoẻ” còn yếu.