Tham vọng của ông chủ DKRA Việt Nam trong cuộc chơi ứng dụng công nghệ vào môi giới BĐS

“Hiện nay có rất nhiều công ty môi giới thành lập, nhiều người hành nghề môi giới tự do nhưng người có tín chỉ hành nghề, xây dựng được thương hiệu cá nhân, tạo được niềm tin trên thị trường BĐS thực sự chưa nhiều. Tôi vẫn luôn theo đuổi giấc mơ làm cách nào đó để cải thiện hình ảnh môi giới BĐS Việt Nam, tạo ra công cụ để giúp môi giới xây dựng hình ảnh tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, gầy dựng được niềm tin cho cộng đồng, cho khách hàng mua BĐS…”

Đó là những lời bộc bạch của ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze – đơn vị tiên phong xây dựng hệ sinh thái BĐS toàn diện tại Việt Nam từ 3 mô hình Proptech, Fintech và Mobile Commerce tại buổi chia sẻ mới đây với chúng tôi. Ông Phạm Lâm từng được biết đến có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động BĐS, xuất phát điểm từ nền tảng dịch vụ phân phối, đồng thời là người luôn "theo đuổi giấc mơ môi giới", muốn thay đổi nhận thức của xã hội về nghề môi giới, xây dựng hình ảnh người môi giới chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững, minh bạch.

THỊ TRƯỜNG BĐS VIỆT NAM ĐANG CÓ NHỮNG MÔI GIỚI MÙA VỤ…

Chia sẻ về thách thức đối với lĩnh vực môi giới BĐS tại Việt Nam, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam đang có nhiều tiến triển liên quan đến hoạt động môi giới, dịch vụ đa dạng hơn, kể cả việc áp dụng công nghệ tốt hơn, có chuyên môn giỏi hơn… tuy nhiên, bên cạnh đội ngũ môi giới được đào tạo bài bản, thì còn khá nhiều môi giới hoạt động không bền vững, xem nghề môi giới là mùa vụ. Lúc thị trường tốt, có dự án thì "nhảy vào" làm, kiếm thu nhập, xong dự án thì "nhảy ra" hoặc bỏ nghề. Theo ông Lâm, nhóm này chiếm đến 90% trên thị trường, phần còn lại là những tổ chức môi giới bài bản, chuyên nghiệp, chiếm số ít.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS, làm việc trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc hoạt động độc lập, nhưng chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ nghề, chiếm khoảng khoảng 10% - một tỷ lệ rất thấp. Ðội ngũ môi giới chủ yếu tập trung ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và Tp.HCM. Theo ông Phạm Lâm, điều này cho thấy, thị trường BĐS còn ở mức độ chưa chuyên nghiệp. Ở thị trường chuyên nghiệp thì người môi giới BĐS phải có mã số hành nghề chiếm tỉ lệ lớn.

CEO Houze Group: “Làm ứng dụng để môi giới BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi không sợ thất bại…” - Ảnh 1.

Ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze

Theo Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze, để làm được điều này thì Bộ xây dựng cần đưa ra quy định bắt buộc hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề.

"Môi giới BĐS là người bán những tài sản có giá trị lớn, đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp, có năng lực. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người xem môi giới BĐS là nghề mùa vụ. Đó là lý do vì sao lực lượng môi giới BĐS trên thị trường lên xuống không ổn định. Những người tranh thủ cơ hội sẽ không bao giờ đánh giá cao sự bền vững của nghề, theo đuổi sự nghiệp lâu dài. Điều này đang làm cho hình ảnh của các môi giới BĐS chuyên nghiệp, có trách nhiệm với nghề trở nên méo mó, xấu xí. Họ là những người có tâm huyết, có chứng chỉ hành nghề, nhưng lại bị đánh đồng, tạo ra một thị trường thiếu tin cậy, làm khách hàng nhìn vào lực lượng môi giới BĐS với sự e ngại, không yên tâm", ông Phạm Lâm nhấn mạnh.

Như vậy, theo Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze, nếu có những quy định bắt buộc với nghề thì những người nào nghiêm túc sẽ theo đuổi nghề nghiệp lâu dài, bền vững, số còn lại sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường, không được tham gia bán dự án,...

Khi được hỏi, việc này liệu có quán triệt một cách triệt để hay không?, ông Lâm cho rằng, điều này hoàn toàn có thể làm được. Cũng giống như việc đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, trước đây khi chưa có quy định bắt buộc thì ai ai cũng thoải mái tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Nhưng, từ khi có quy định bắt buộc, nếu không đội mũ bảo hiểm sẽ phạt thì tự khắc thành thói quen. Từ thay đổi suy nghĩ dẫn đến thay đổi hành vi. Môi giới BĐS cũng vậy. Nếu bắt buộc hành nghề môi giới phải có chứng chỉ nghĩa là họ có nhiều trách nhiệm với nghề hơn, từ đó sẽ lọc ra những người thực sự theo đuổi nghề môi giới bền vững, lâu dài.

"Hiện nay có rất nhiều công ty môi giới thành lập, nhiều người hành nghề môi giới tự do nhưng người có chứng chỉ hành nghề, xây dựng được thương hiệu cá nhân, tạo được niềm tin trên thị trường BĐS thực sự chưa nhiều. Tôi vẫn luôn theo đuổi giấc mơ làm cách nào đó để cải thiện hình ảnh môi giới BĐS Việt Nam, tạo ra công cụ để giúp môi giới xây dựng hình ảnh tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, gầy dựng được niềm tin cho cộng đồng, cho khách hàng mua BĐS…", ông Lâm chia sẻ.

TRONG BĐS, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN RẤT QUAN TRỌNG

Theo Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze, trong BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân rất quan trọng đối với người môi giới.

Chẳng hạn, cùng một dự án BĐS, có 3 môi giới tham gia bán nhưng chỉ một môi giới bán thành công. Bên cạnh năng lực thì chắc chắn môi giới này phải được khách hàng tin tưởng. Hay, có một khách hàng dù chưa biết về dự án nhưng môi giới chỉ cần nói "dự án này em đánh giá tốt, anh có thể đầu tư", là khách hàng sẵn sàng xuống tiền. Như vậy để thấy, xây dựng hình ảnh, thương hiệu với môi giới BĐS là rất quan trọng. Thị trường BĐS hiện nay rất cần những môi giới làm việc trách nhiệm, uy tín, năng lực….

Thế nhưng, để có những điều này, theo ông Phạm Lâm cần phải có nơi để môi giới BĐS thể hiện. Vấn đề hiện hữu của môi giới BĐS hiện nay là chưa có công cụ chuyên dụng để xây dựng thương hiệu cá nhân, thể hiện năng lực, khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh.

Chia sẻ về tâm huyết của mình, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho hay, hiện House Map – công nghệ dành cho môi giới BĐS được xem là ứng dụng giúp cho môi giới BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả. Đây là công cụ để tạo nên đội ngũ môi giới BĐS chuyên nghiệp hơn, gầy dựng được niềm tin cho cộng đồng, cho khách hàng mua BĐS…

CEO Houze Group: “Làm ứng dụng để môi giới BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi không sợ thất bại…” - Ảnh 2.

Vấn đề hiện hữu của môi giới BĐS hiện nay là chưa có công cụ chuyên dụng để xây dựng thương hiệu cá nhân, thể hiện năng lực, khai thác tối đa hiệu quả kinh doanh.

Chia sẻ sâu hơn về ứng dụng này, ông Phạm Lâm cho hay, ứng dụng nhằm kết nối những nhà môi giới chưa từng quen biết nhau vẫn có đủ cơ sở tin cậy để cùng làm việc, trao đổi, chia sẻ nguồn hàng và khách hàng. Từ đó, họ tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho hoạt động nghiệp vụ BĐS. Đồng thời, mở rộng cơ hội kinh doanh, gia tăng thu nhập bền vững, góp phần thúc đẩy tính minh bạch của thị trường BĐS.

Theo ông Lâm, hiện nay môi giới BĐS có 2 vấn đề: Có khách hàng hàng nhưng không có sản phẩm hoặc có sản phẩm nhưng không có khách hàng. Hàng ngàn môi giới hiện nay không biết tìm nhau như thế nào để trao đổi nguồn hàng, nguồn khách. Theo đó, House Map sẽ là nơi để xây dựng cộng đồng môi giới, có sản phẩm, có nhu cầu về BĐS đưa lên ứng dụng và các môi giới tự động liên kết với nhau. Giả sử, một một môi giới có khách hàng có nhu cầu mua nhà Q.2 với giá 3 tỉ, gần đúng với nhu cầu của một môi giới đang bán nhà 3.1 tỉ trên ứng dụng thì hệ thống sẽ tự động kết nối 2 nhu cầu này. Như vậy, với ứng dụng House Map, môi giới tự liên kết lại với nhau rồi làm việc.

"Nghĩa là công cụ này giúp 2  người có nhu cầu về BĐS cụ thể nào đó, gặp nhau sẽ có giao dịch. Kết nối sản phẩm cần bán đúng nhu cầu cần mua; nhắn tin trực tiếp trên ứng dụng không bị làm phiền; xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua hồ sơ nhà môi giới tin cậy…", ông Lâm nói.

Khi được hỏi, xây dựng thương hiệu cá nhân của môi giới BĐS được thể hiện như thế nào, ông Lâm chia sẻ, ứng dụng sẽ tích điểm của các môi giới trên hệ thống, từ đó xếp hạng các môi giới thông qua 2 tiêu chí là: giao dịch thành công sản phẩm (số lượng giao dịch nhiều) và tích cực (thường xuyên đăng hoàng hoá, nhu cầu, trải nghiệm trên ứng dụng). Chẳng hạn, môi giới giao dịch sản phẩm 1 tỉ đồng được cộng 100 điểm, 100 tỉ được 1.000 điểm. Hệ thống ứng dụng sẽ có đội ngũ phân tích, đánh giá sau đó đẩy điểm số của môi giới đó lên hệ thống. Điểm càng cao nghĩa là môi giới đó được vinh danh, và đánh giá uy tín cao. Điều này sẽ giúp cho môi giới có độ tin tưởng cao trong nghề nghiệp, các môi giới khác cũng như khách hàng đều có thông tin đầy đủ về môi giới. Đây chính là cách mà môi giới BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân, thúc đẩy việc xây dựng sự nghiệp lâu dài của bản thân.

Ông Lâm ví von, chúng ta bị bệnh tìm bác sĩ, tranh chấp tìm luật sư, nhưng mua nhà đa số là không biết tìm môi giới như thế nào để cho đáng tin cậy. Chắc chắn trong thời gian tới, khi mua nhà khách hàng sẽ cần những môi giới chuyên nghiệp, tin cậy để gửi gắm, và họ phải biết những môi giới chuyên nghiệp đó ở đâu, ở nơi nào để tìm. Vì thế, xây dựng một cộng đồng là hoàn toàn cần thiết cho tương lai của thị trường BĐS Việt Nam.

Ngoài ra, theo Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze, trên ứng dụng này môi giới BĐS còn tra cứu được mã số hành nghề, khi khách hàng hỏi, môi giới chỉ cần mở điện thoại lên là có thể cho khách hàng xem được thông tin của môi giới.

Thắc mắc liệu có những trường hợp giả mạo các thông tin trên hệ thống, xuất hiện môi giới ảo làm ảnh hưởng đến người mua, ông Lâm nhấn mạnh, đội ngũ sẽ quản lý những cá nhân môi giới đăng tin, hình ảnh, không chính xác, thông tin được kiểm duyệt và có cơ chế. Đây là công cụ giúp các môi giới kinh doanh nên những thông tin "rác" chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Không chỉ là nơi để môi giới kinh doanh, xây dựng hình ảnh cá nhân mà theo ông Lâm còn là nơi tin cậy để nhiều khách hàng muốn tham gia mua bán, giao dịch trên ứng dụng.

Thực tế, ứng dụng kết nối hàng nghìn nhu cầu và sản phẩm BĐS trên toàn quốc, và mới đây nhất đã xuất hiện giao dịch thành công của khách hàng 59 tuổi khi chỉ đăng tin bán BĐS trong vòng 4 ngày đã có giao dịch.

TÔI KHÔNG SỢ THẤT BẠI….

Nói về sự biến động nhân sự môi giới sau dịch Covid-19, ông Phạm Lâm cho hay, sau dịch rất nhiều công ty môi giới nhỏ dừng cuộc chơi vì chi phí vận hành doanh nghiệp gặp khó khăn.  Thị trường đang có sự dịch chuyển lực lượng lao động môi giới chuyển từ công ty này qua công ty khác tốt hơn, đó cũng là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, số lượng môi giới ở các tổ chức có giảm đi nhưng số lượng nhân sự môi giới tham gia thị trường nhìn chung không giảm.

Còn đối với môi giới tự do, theo ông Lâm, có hiện tượng rời bỏ thị trường khá nhiều, nhất là thời điểm BĐS gặp khó khăn. Các đối tượng này thường không bám trụ BĐS lâu dài, không xác định nghề môi giới là nghề bền vững, lúc tốt nhảy vào, khó khăn đi ra. Theo đó, ông Lâm cho rằng, đây không được xem là lực lượng môi giới BĐS chính quy, không theo đuổi sự nghiệp lâu dài.

Đối với những nhà môi giới có kinh nghiệm 3-5 năm trên thị trường, ông Lâm cho hay, đối tượng này đã có niềm đam mê với BĐS, trải qua nhiều thử thách gian nan trong nghề, được đào tạo bài bản qua các công ty, cho nên số lượng rời đi lúc thị trường khó khăn là khá ít. Có chăng họ sẽ dịch chuyển từ công ty nhỏ sang các công ty lớn hơn để tiếp tục với nghề.

CEO Houze Group: “Làm ứng dụng để môi giới BĐS xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi không sợ thất bại…” - Ảnh 3.

Chia sẻ về thách thức của nghề môi giới hiện nay, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho rằng, thách thức lớn nhất là chất lượng về lực lượng môi giới BĐS, điều này phải được cải thiện thì thị trường BĐS mới phát triển được. Cũng giống như lao động tay nghề cao, tính chuyên nghiệp cao thì ngành nghề đó mới phát triển lên được. BĐS cũng vậy, phải có những môi giới chính quy, có mã số hành nghề. Theo đó, vai trò của nhà nước trong việc quy định, sát hạch năng lực của lực lượng môi giới là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, một thách thứ với nghề môi giới là thích nghi với tình hình mới trong bối cảnh công nghệ hiện nay. Các môi giới truyền thống đang cảm thấy khó khăn khi tìm kiếm khách hàng bằng phương thức cũ. Môi giới hiện đại phải biết sử dụng công nghệ để tối ưu hoá hiệu quả lao động, tăng cường cơ hội kinh doanh thông qua các ứng dụng, giúp công việc hiệu quả hơn.

Việc theo đuổi công nghệ của môi giới BĐS, theo ông Lâm hoàn toàn khả thi bởi chắc chắn trong thời gian tới đây là yêu cầu bắt buộc, trở thành điều tất yếu mà bất cứ môi giới nào cũng cần phải có. Môi giới  BĐS cạnh tranh bằng năng lực, trong đó có năng lực về sử dụng công nghệ. Những ứng dụng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh BĐS chắc chắn sẽ giúp môi giới giảm tải được nhiều công việc, hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn. Chưa kể, ứng dụng như House Map còn xây dựng thương hiệu của môi giới, là công cụ tạo niềm tin cho đối tác, khách hàng…giúp nghề nghiệp bền vững, chuyên nghiệp hơn.

Chia sẻ về tham vọng trở thành nhà tiên phong làm ứng dụng cho môi giới BĐS, Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze cho hay, hiện đã có hơn 4.000 nhà môi giới cài ứng dụng House Map và ứng dụng cũng đã kết nối cơ hội kinh doanh cho hơn 3000 nhà môi giới trong số này. Trong năm nay, mục tiêu là sẽ xây dựng cộng đồng môi giới tin cậy và chuyên nghiệp

với số lượng có thể lên đến 15.000 nhà môi giới.

Theo ông Lâm, ứng dụng công nghệ này đã đi được 1/3 chặng đường, hiện đang hoàn thiện các tính năng để trở thành nhà tiên phong trong sản phẩm công nghệ dành cho môi giới. 

"Khó khăn lớn nhất là làm người tiên phong, làm điều chưa ai làm rõ ràng là cái không hề dễ dàng. Cũng giống như nấu một món ăn, nếu món đó đã có người từng làm, mình bỏ đường nhiều quá có thể điều chỉnh được, còn món mà chưa ai làm, bản thân mình cũng không biết có nên bỏ đường hay không nữa, tức là đi làm người tiên phong phải đối mặt với những vấn đề mình đặt ra; phân tích xem tính nào phù hợp, cái nào chưa phù hợp; Trong quá trình như vậy, nhiều lần đội ngũ làm sai, phải điều chỉnh lại, tốn nhiều thời gian, công sức, trí tuệ…", Nhà sáng lập Hệ sinh thái Houze bộc bạch.

Vậy, ông có sợ thất bại không? "Nếu thất bại là điều bình thường. Lúc đó, mình sẽ biết làm điều gì đó chưa phù hợp để cải tiến. Trên con đường này chắc chắn không phải một mình tôi đi, bởi còn rất nhiều người khao khát để trở thành những nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp, trách nhiệm và tin cậy. Vì thế, tôi không sợ thất bại. Con đường này sẽ có rất nhiều người ủng hộ cách làm để cho thị trường BĐS ngày càng phát triển, minh bạch, con người ngày càng chuyên nghiệp, vì thế rất khó để thất bại…", ông Lâm chia sẻ.

Nói về công nghệ sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường BĐS như thế nào trong thời gian tới, ông Phạm Lâm cho rằng, công nghệ là công cụ giúp quá trình giao dịch, mua bán BĐS diễn ra dễ dàng hơn, nhanh chóng, tiết kiệm nhưng không thay thế được con người.

"Đây là thời khắc vàng để mọi người tiến về phía trước, định vị lại toàn bộ thị trường BĐS một cách chuyên nghiệp trên nền tảng công nghệ. Công nghệ chắc chắn sẽ làm thay đổi toàn bộ đời sống và ngành nghề trong tương lai. Với người mua, công nghệ sẽ giúp họ nhiều cách tiếp cận thông tin, lựa chọn BĐS đa dạng hơn, quá trình giao dịch diễn ra nhanh chóng, tiết kiệm chi phí hơn…", CEO Houze Group nhấn mạnh.