Tăng tốc dự án metro TP HCM

Các cơ quan chức năng đang gấp rút gỡ những vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ vận hành tuyến metro số 1, khởi công tuyến metro số 2.

Sau thời gian bị đảo lộn, cuộc sống của gia đình ông Mai Hữu Sơn (70 tuổi; ngụ đường Cách mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, TP HCM) dần ổn định trở lại. Trước đó, diện tích căn nhà của gia đình ông phải thu hẹp lại, do bàn giao hơn 10 m2 cho nhà nước để triển khai thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương (metro số 2).

Ngóng trông metro số 2

Nhớ lại thời điểm bàn giao mặt bằng, ông Sơn kể: "Lúc đó chỉ có 10 ngày để bàn giao mặt bằng. Gia đình tôi phải gác lại mọi việc để tập trung sửa chữa, sắp xếp lại căn nhà. Sống trong căn nhà có phần hẹp hơn trước, ban đầu cuộc sống của gia đình tôi cũng có nhiều bất tiện. Đến nay thì các thành viên đều đã thích nghi với điều kiện sống mới".

Khi nghe phóng viên nhắc đến tiến độ thực hiện dự án tuyến metro số 2, ông Sơn và các thành viên trong gia đình đều lắc đầu, cười trừ. "Bao năm qua cũng không thấy triển khai gì thêm. Không chỉ nhà tôi mà hàng chục căn nhà xung quanh đều đã bàn giao mặt bằng, nhà cửa cũng đã được sửa sang hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa thấy tuyến metro số 2 triển khai. Khi nhà nước triển khai thu hồi mặt bằng thì chúng tôi rất đồng thuận và hưởng ứng, cố gắng bàn giao sớm nhất để không làm trễ việc chung. Nhưng sau mấy năm vẫn không có tiến triển gì" - ông Sơn nói.

Thông tin về tiến độ của dự án tuyến metro số 2, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho biết hiện nay, toàn bộ công tác bàn giao mặt bằng của dự án đạt 86,69%. Dự án tuyến metro số 2 đã khởi công di dời hạ tầng kỹ thuật vào tháng 6-2023; đang triển khai thi công di dời công trình điện tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Hạng mục di dời công trình cấp nước đã hoàn thành công tác đấu thầu, ký hợp đồng giữa tháng 11-2023. Các hạng mục còn lại đang tổ chức đấu thầu. "Việc di dời toàn bộ hạng mục hạ tầng kỹ thuật hoàn thành vào quý II/2025 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu chính của dự án khi ký hợp đồng" - đại diện MAUR nêu.

Về 2 địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng là quận 3, MAUR cho biết vướng mắc lớn nhất là về chính sách, đơn giá bồi thường. Hiện quận 3 và quận Tân Bình đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng vào cuối năm 2023. Vấn đề vướng mắc này đã được Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM họp và chỉ đạo tháo gỡ. UBND TP HCM đang tiếp tục chỉ đạo UBND quận 3 và quận Tân Bình để sớm hoàn tất công tác bồi thường, bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho dự án.

Tăng tốc dự án metro TP HCM- Ảnh 1.

Lễ khởi công di dời hạ tầng kỹ thuật để làm tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương. Ảnh: LÊ VĨNH

Chốt thời gian vận hành metro số 1

Đối với dự án tuyến metro số 1, ông Hoàng Mai Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 - Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố, cho biết đến ngày 30-11, lũy kế tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đạt 96,84%.

Thông tin cụ thể từng đầu việc, ông Tùng cho biết đối với nhóm thi công, các nhà thầu xây dựng cơ bản đã hoàn thành, còn lại tòa nhà OM và cầu bộ hành sẽ hoàn thành vào cuối quý I đầu quý II/2024. Một số vướng mắc của nhà thầu CP3 đang được ban quản lý và nhà thầu (Công ty Hitachi) phối hợp giải quyết theo hợp đồng. Các khác biệt về cách hiểu hợp đồng sẽ được thay thế bằng cách tư vấn ban hành một chỉ thị (theo điều khoản hợp đồng) để nhà thầu thi công.

"Những vấn đề liên quan trách nhiệm, ý kiến các bên sẽ được giải quyết song song với quá trình thi công. Với cách làm này, các vướng mắc của gói thầu đã được giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thi công" - ông Tùng khẳng định.

Về hợp đồng 5 năm bảo dưỡng, ông Tùng cho biết sau nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở thì đến nay nhà thầu Hitachi đã trình nộp. Dự kiến tuần sau, Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố, Hitachi và Công ty Vận hành HURC1 sẽ họp ở Tokyo - Nhật Bản về nội dung trên để thống nhất nội dung hợp đồng, chuẩn bị đưa metro số 1 vào vận hành.

Theo ông Tùng, việc đào tạo nguồn nhân lực lái tàu cơ bản đã xong; đã tuyển dụng 291 nhân viên nhà ga, đang đào tạo 142 nhân viên nhà ga phụ trách an toàn; 19 nhân viên điều hành OCC, 9 quản lý nhà ga đang được đào tạo. Thời gian tới, đào tạo 149 nhân viên nhà ga phụ trách vé.

Ông Tùng cho biết Ban Quản lý đang điều hành các nhóm công việc trên tương đối chủ động. Cuối năm 2023 sẽ hoàn thành thi công, sang nửa đầu năm 2024 sẽ tập trung vừa thử nghiệm thiết bị, đào tạo vừa khai thác thử để đánh giá an toàn.

Sau đó, Cục Đường sắt sẽ có thẩm định an toàn và Hội đồng Kiểm tra công tác nghiệm thu (SIC) nghiệm thu đưa vào sử dụng trước khi cho phép vận hành thương mại. "Dự kiến, tuyến metro số 1 sẽ vận hành thương mại vào đầu tháng 7-2024" - ông Tùng khẳng định.

Hơn 86.000 tỉ đồng để kết nối Đồng Nai, Bình Dương

Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương có ý kiến để hoàn chỉnh phương án đầu tư kéo dài tuyến metro số 1. Theo báo cáo phương án đầu tư, việc kéo dài tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên về Bình Dương, Đồng Nai được chia làm 3 đoạn với tổng chiều dài 53,3 km. Tổng mức đầu tư hơn 86.000 tỉ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Trong đó, TP HCM chủ trì thực hiện đoạn 1, tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện đoạn 2 và tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện đoạn 3.

T.Hồng