Mới đây, chủ đất ngộp tài chính nên bán ra lô đất rẻ hơn thị trường khoảng 700 triệu đồng. Vốn là nhà đầu tư nhạy bén với thông tin, lại nắm nguồn hàng trực tiếp với nhà đầu tư này, anh Tr rất muốn mua lô đất nhưng “khổ tâm” vì không có dòng tiền mặt. Theo chia sẻ của anh Tr, hiện anh cũng không có đủ 50 triệu đồng để đặt cọc, trong khi việc vay ngân hàng tiếp để mua lô đất là điều khó vì anh còn các khoản nợ khác.
Anh Tr tìm cách kêu gọi thêm người hùn vốn để cọc mua lô đất, rồi lướt sóng hưởng chênh. Do lô đất có giá khá tốt nên theo anh Tr cho rằng bán ra với giá giảm khoảng 400 triệu đồng/lô sẽ có người mua, đồng nghĩa anh em sẽ lời khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi phân tích kỹ thị trường, anh Tr nhận thấy không chắc chắn với phương án. “Nếu có sẵn tiền mặt, tôi sẽ ôm lô đất”, anh Tr chia sẻ.
Được biết, hiện anh Tr đang có nhiều lô đất nền tại Tp.HCM và một số tỉnh lân cận. Trước đây, anh tham gia lướt sóng và đầu tư dài hạn, sau đó tái đầu tư nhiều lần. Từ cuối năm 2022, anh không thể bán các lô đất đã đầu tư do thị trường đi xuống. Thậm chí, có một số lô anh rao bán giảm giá hơn 30% so với giá mua vào nhưng không có người hỏi. Theo anh Tr, anh rất muốn cơ cấu các sản phẩm và thu dòng tiền về vì hiện tại tiền mặt của anh đã cạn kiệt. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường hiện nay rất khó để bán được.
Chia sẻ mới đây, một nhà đầu tư bất động sản sống tại khu Đông Tp.HCM cũng cho hay: “Nỗi buồn lớn nhất lúc này là không có sẵn tiền để đi mua nhà đất. Có những lô đất giá ngộp, bán rẻ bất ngờ nhưng không đủ tiền để mua, vì thế rất tiếc”. Cũng giống như anh Tr, nhà đầu tư này hiện tài sản nằm trong bất động sản và vẫn chưa thể bán ra.
Vừa qua, thị trường nhà đất phía Nam tiếp tục xuất hiện động thái săn hàng của các nhà đầu tư “tay to”. Các lô đất giá tốt hơn thị trường giai đoạn 2022 từ 20-30% vẫn được nhà đầu tư ôm vào. Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư liên tục “ngó” hàng giá tốt nhưng không đủ tài chính để mua.
Theo ghi nhận, những tín hiệu phục hồi của thị trường đất nền phía Nam thời gian gần đây cho thấy, nhà đầu tư đã tự tin hơn khi quay trở lại thị trường. Việc ôm hàng của nhà đầu tư là có căn cứ khi nhìn thấy giá bắt đầu nhích dần ở một số khu vực. Dù giá khó tăng đột biến như giai đoạn trước nhưng theo các nhà đầu tư, nếu mua được nguồn hàng giá mềm hẳn thì mức chênh sẽ khá tốt trong thời gian tới.