Tại sao nguồn cung khan hiếm không đáp ứng nhu cầu nhưng nhiều nhà đầu tư lại than ế?

Một nghịch lý xuất hiện trên thị trường bất động sản, đó là báo cáo từ tổ chức nghiên cứu thị trường địa ốc đồng loạt nhận định: Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu quá lớn. Nhưng trên thị trường thứ cấp, nhiều nhà đầu tư đang phải chấp nhận chôn vốn vì khó tìm được người mua.

Cung co hẹp, giá bất động sản tăng

Một trong những lý do chủ đạo khiến giá bất động sản leo thang không ngừng được cho là đến từ nguồn cung bất động sản khan hiếm trong khi đó nhu cầu còn lớn. 

Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản Việt Nam trong quý I/2022 của batdongsan.com.vn ghi nhận, 92% người được hỏi đang có ý định mua nhà đất, hơn 75% chủ sở hữu bất động sảnmuốn mua thêm một sản phẩm bất động sản khác ngoài bất động sản hiện tại. Báo cáo đơn vị này còn chỉ ra rằng, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa, tìm nhà đất thuận tiện cho công việc... đang dẫn tới tình trạng cung không đáp ứng được cầu.

Ở góc độ nguồn cung, báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng ghi nhận tình trạng sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng. Theo báo cáo, thị trường bất động sản chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh khi số dự án giảm mạnh. Năm 2021 nguồn cung dự bán và căn hộ giảm giảm 34% so với năm 2020, trong khi năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019 giảm 50%. Trong 2 năm gần như không có dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp nào được cấp phép mới - 1 trong những phân khúc có nhu cầu cao, cung ít cầu nhiều. 

Tại sao nguồn cung khan hiếm không đáp ứng nhu cầu nhưng nhiều nhà đầu tư lại than ế? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Dự án du lịch nghỉ dưỡng trong toàn quốc năm 2021 cũng giảm 35% so với 2020, năm 2020 cũng giảm 50% so với 2019.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản đang chứng kiến nguồn cung eo hẹp, trong khi nguồn cầu  lớn hơn nhiều. Điều này đã làm đẩy giá nhà đất tăng mạnh như hiện nay và thiếu hụt nguồn căn hộ bình dân. 

Khảo sát của Bộ Xây dựng ghi nhận, thông qua khảo sát, thu thập thông tin, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong quý 1, nhất là tháng 3 vừa qua tại 8 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả cho thấy, giá bất động sản bình quân toàn thị trường vẫn trong xu hướng tăng. Nhất là trong tháng 3, tại một số địa phương kể trên, giá giao dịch bất động sản tăng khá cao so với tháng 2.

Báo cáo của Bộ Xây dựng nhận định: "Giá cả bất động sản ngược chiều so với nguồn cung. Giá bất động sản tiếp tục tăng trong đại dịch, đặc biệt phân khúc đất nền trong 2 năm vừa rồi. Bình quân khu vực và bình quân 1 số tỉnh, cuối 2021 giá dự án tăng 5-7%, giá nhà ở riêng lẻ tăng 15-20%, đất nền tăng 20-30%, có nơi tăng 50% trong năm 20221. Hiện tượng này cần được bàn kỹ là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nguyên nhân làm tăng giá".

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản thời Covid-19 đặt ra nhiều vấn đề khi nguồn cung ngày càng giảm, nhu cầu ngày càng tăng, cả trong nước và nước ngoài, giá nhà cũng tăng cao. 

Nhà đầu tư than ế

Có vẻ như thị trường đang "chiếu" 2 bức tranh khác nhau có phần trái ngược hoặc có chăng là cung, và cầu trên thị trường đang không có tín hiệu bắt sóng nhau. Như báo cáo của các đơn vị thị trường và chuyên gia, nguồn cung đang khan hiếm thực sự trong khi nhu cầu lớn.

Thế nhưng, thực tế, vẫn đang có không ít nhà đầu tư đối mặt với tình trạng "chôn vốn" khi "ế" hàng.

Anh N.N (Hà Nội), nhà đầu tư đang xuống tiền Bắc Giang cho biết, hiện anh chôn vốn 2 lô đất nền dự án tại đây. Dù cắt lỗ 20% nhưng anh vẫn chưa tìm được khách mua. Hay như chị T., năm 2021 chị xuống tiền căn shophouse tại Hoài Đức với mức giá 9 tỷ đồng. Dự tính 6 tháng thoát hàng nhưng đã tròn 1 năm, chị vẫn chưa tìm được người mua. 

Chị T. còn cho biết: "Cứ bảo cung thiếu, nhu cầu của người dân mua bất động sản lớn. Nhưng những người mua shophouse cùng tôi đều rao bán mãi không được. Ngay cả bạn bè tôi, ai mua đất năm 2021, 2020 đều rơi vào cảnh khó bán. Người mua hỏi thì có nhưng chốt thì không". Kịch bản chung mà anh N. và chị T. đang phải đối mặt là khoản lãi hàng tháng trong khi đó, dù có hạ giá thì tìm người mua ở thời điểm hiện tại không hề dễ dàng.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn thừa nhận rằng, mặc dù giá bất động sản tăng lên, nhưng tính thanh khoản chưa hẳn sẽ tỷ lệ thuận, vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Theo chuyên gia, tình hình lạm phát đẩy sâu tình trạng "mua dễ bán khó" đang tồn tại trên thị trường bất động sản hiện nay. Biến động trượt giá làm giá bất động sản  tiếp tục tăng lên, tác động tiêu cực đến thanh khoản của thị trường, nơi vốn không có hàng rẻ, vì mọi thứ đều bị đẩy giá lên đỉnh điểm. 

#/tai-sao-nguon-cung-khan-hiem-khong-dap-ung-nhu-cau-nhung-nhieu-nha-dau-tu-lai-than-e-20220418153302963.chn