Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Thời điểm vàng kích cầu du lịch hậu COVID-19”, Bà Trần Nguyệt, Giám đốc kinh doanh của tập đoàn Sungroup đã đại diện các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đưa ra những đề xuất để kích cầu du lịch sau dịch COVID -19.
Cụ thể, theo bà Nguyệt đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn ngành du lịch thế giới nói chung, điều chỉnh lại hành vi và xu hướng du lịch của du khách trên toàn cầu. Hơn thế nữa, trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới, chúng ta cần phải xác định lại thị trường khách quốc tế nào là thị trường trọng điểm của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 để có chiến lược quảng bá và kích cầu phù hợp.
"Bong bóng du lịch" là gì?
Thuật ngữ "bong bóng du lịch" xuất hiện trong khuôn khổ thảo luận về khôi phục ngành du lịch giữa Úc và New Zealand, vốn tạm ngưng vì lệnh đóng biên giới từ tháng 3 để ngăn dịch.
Chính trị gia của hai nước này đã tính phương án mở cửa cho nhau, nhằm tạo ra một "hành lang du lịch" hoặc còn gọi là "bong bóng du lịch". Một bình luận trên Đài CNN (Mỹ) ngày 4-5 từng cho rằng đây sẽ là mô hình của tương lai, tức sẽ được các nước khác học hỏi và xem đây như cách khôi phục dần ngành du lịch.
"Vừa qua, Tổng cục Du lịch đã phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân và Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã tổ chức Hội nghị "Các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và Phục hồi du lịch quốc tế hậu COVID-19". Rất nhiều giải pháp, đề xuất, kiến nghị đã được lãnh đạo ngành, các chuyên gia, cũng như đại diện Doanh nghiệp đưa ra. Và chúng tôi cũng mong rằng, những giải pháp đó sớm đi vào thực tiễn", bà Nguyệt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Nguyệt cũng cho biết SunGroup cũng có một vài kiến nghị, cụ thể: Kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện hỗ trợ, ủng hộ các Doanh nghiệp tư nhân tạo dựng dự án mới, sản phẩm mới đón đầu xu thế quốc tế, đảm bảo chất lượng – đẳng cấp – khác biệt, độc đáo để tạo nên sự hấp dẫn, mới mẻ cho chính Du khách nội địa và Du khách quốc tế khi quay trở lại Việt Nam, tạo động lực để du khách quay trở lại nhiều lần.
Kiến nghị triển khai miễn thị thực và nâng thời hạn lên 30 ngày đối với những thị trường quốc tế đã được đánh giá là an toàn với COVID -19. Chính sách này ban đầu có thể áp dụng trong vòng 12 tháng. Triển khai ngay lập tức các chương trình quảng bá du lịch online đến các thị trường khách quốc tế, đặc biệt là những thị trường có khả năng khống chế đại dịch COVID Covid-19 sớm nhất trên thế giới.
Thị trường quốc tế cần có thời gian trễ để du khách lựa chọn, book vé/tour để đi du lịch tại Việt Nam. - Cần xây dựng một trang thông tin "vietnamantoan"/ "VietnamSafe" để thúc đẩy quảng bá cho du khách quốc tế về một điểm đến Việt Nam an toàn, thân thiện và mến khách. Trang thông tin này ngoài việc cập nhật những thông tin, hình ảnh khẳng định Việt Nam an toàn với COVID -19, còn quảng bá những điểm đến và chính sách kích cầu của du lịch Việt Nam với khách quốc tế.
Ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế trên thế giới, Chính phủ và Bộ VHTTDL cần triển khai các chương trình quảng bá, kích cầu tại một số thị trường trọng điểm, có thể tạo nên cú hích cho du lịch Việt Nam hậu dịch COVID-19 (ví dụ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…).Ngoài ra, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tham gia cùng các chương trình này.
Đề xuất Chính phủ cho phép sớm mở lại đường bay quốc tế song phương tới một số quốc gia đã kiểm soát an toàn về dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài… theo mô hình "bong bóng du lịch". Đề xuất Chính phủ áp dụng mã QR để quản lý thông tin, truy vết hành khách, khách du lịch xuất nhập cảnh khi mở cửa bầu trời (trong trường hợp cần thiết) để hạn chế rủi ro thấp nhất. Đồng thời, trang bị các thiết bị tầm soát, xét nghiệm nhanh tại các cửa khẩu.