Sự tăng trưởng ấn tượng của thị trường bất động sản nhìn từ những "thủ phủ" công nghiệp

Bất động sản (BĐS) công nghiệp tăng trưởng bứt phá tại hàng loạt thủ phủ công nghiệp từ Bắc đến Nam là lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường nhà ở tăng trưởng theo. Dự báo, làn sóng này còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2021.

12 tháng qua, dù đánh giá ở bất cứ khía cạnh nào: nguồn cung, nguồn cầu, tỷ lệ lấp đầy, giá thuê, sức hút đầu tư của bất động sản công nghiệp đều đạt các chỉ số tăng trưởng tích cực, trở thành điểm sáng hiếm hoi so với phần còn lại đầy biến động của thị trường địa ốc năm 2020.

Cụ thể, về nguồn cung thống kê của JLL Việt Nam cho thấy tính đến quý IV/2020, riêng nguồn cung nhà kho 4 tỉnh phía Nam: Long An, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương đã vọt lên trên 3 triệu m2, phía Bắc cũng tăng trưởng thêm hơn 880.000 m2 kho vận. Bình Dương dẫn đầu các thủ phủ công nghiệp với gần 1,4 triệu m2 kho vận cung cấp cho thị trường bất động sản hậu cần.

Mặc dù nguồn cung tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu thuê gia tăng mạnh mẽ, đây là lý do đẩy giá chào theo BĐS khu công nghiệp tăng mạnh chưa từng có.  Khảo sát của CBRE, cho thấy TP HCM và Hà Nội dẫn đầu về tốc độ tăng giá thuê trong khi mặt bằng giá chung các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự bùng nổ của BĐS khu công nghiệp là bệ đỡ cho thị trường BĐS nhà ở phát triển mạnh mẽ. Tại khu vực phía Nam, số liệu từ CBRE Việt Nam chỉ ra số lượng căn hộ chào bán tại thị trường này đạt 8.289 căn đến từ 8 dự án, tương đương nguồn cung TP HCM và tăng 144% cùng kỳ năm trước. Bình Dương nổi lên như một thị trường đối trọng với TP HCM, đặc biệt ở phân khúc căn hộ tầm trung.

Giám đốc CBRE Việt Nam nhấn mạnh không chỉ ở nguồn cung gia tăng mạnh mẽ, giá bán căn hộ tại Bình Dương cũng tăng 21% trong 9 tháng, cao hơn mức tăng chỉ 6% của TP HCM. Giá giao dịch căn hộ tại Bình Dương ở khoảng 1.276 USD/m2 (30 - 35 triệu đồng), trong khi TP HCM là 1.966 USD/m2 (47 triệu đồng/m2). Phần lớn căn hộ tại Bình Dương là phân khúc bình dân, thu hút nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Tại các khu vực Dĩ An, Thuận An, khu vực mặt tiền Đại lộ Bình Dương và tuyến quốc lộ 13 hàng loạt dự án lớn từ Hưng Thịnh, Kim Oanh, Phát Đạt đổ bộ về đây với mức giá lên đến gần 40-45 triệu đồng/m2. Với mức giá này, các dự án nơi đây đã vượt qua mức giá bán nhiều khu vực tại TP.HCM.

Tại khu vực Phía Bắc, nhiều tỉnh thành trước đây không phải là thủ phủ công nghiệp đình đám nhưng nay cũng đang ngấp nghé đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà xưởng, kho bãi nhằm bắt nhịp với làn sóng công nghiệp mới đang bùng nổ mạnh mẽ nhất trong vòng 25 năm qua. Điển hình như tại Hải Dương, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cũng cho biết, hiện có nhiều huyện, thành phố, thị xã đã có văn bản xin bổ sung tổng cộng trên 50 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích lên tới trên 3.000 ha.

Sự phát triển mạnh mẽ của BĐS công nghiệp Hải Dương cùng tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở chất lượng cao tại Hải Dương đã khiến nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản có đại bản doanh ở Hà Nội và các địa phương khác về đây đầu tư phát triển dự án. Tiêu biểu như: Khu đô thị phía Tây Nam Cường Hải Dương, Khu đô thị làng Việt Kiều Âu Việt, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, TNR Stars Riverside, Ngọc Sơn Riverside… Tập đoàn FLC cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép đầu tư 4 dự án tại Hải Dương, bao gồm dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và dự án khu đô thị.

Mới đây nhất, Công ty Ecopark Hải Dương cũng vừa ra mắt toà tháp đôi Lighthouse tại với quy mô 30 tầng nằm trong khu đô thị 5 sao Ecorivers quy mô hơn 100 ha, có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Mặc dù mới giới thiệu ra thị trường nhưng dự án này ngay lập tức đã tạo sức nóng trên thị trường, số lượng khách hàng quan tâm đặt chỗ sau gần 2 tháng đã kín. Theo tiết lộ từ chủ đầu tư khách hàng quan tâm đến dự án chủ yếu là người dân Hải Dương và nhà đầu tư Hà Nội mua cho thuê.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xét về quy mô và triển vọng BĐS Hải Dương sẽ đón sự bùng nổ trong giai đoạn 2021-2025. Câu chuyện phát triển của Hải Dương khá tương đồng với sự phát triển của Bình Dương trước kia. Theo số liệu thống kê, hiện nay Hải Dương đang có khoảng 30 nghìn kỹ sư, chuyên gia đang làm việc  và dự báo số lượng này sẽ tăng ổn định từ 20-25% mỗi năm, trong bối cảnh đó Hải Dượng hiện có khoảng 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 03 khách sạn hạng 4 sao, 05 khách sạn hạng 3 sao, 25 khách sạn hạng 2 sao. Con số này là quá thấp so với nhu cầu trong tương lai. 

Đánh giá về triển vọng thị trường BĐS nhà ở tại các "thủ phủ" công nghiệp trong năm 2021, nhiều nhận định cho rằng năm 2021 được kỳ vọng sẽ là thời cơ vàng của những cụm công nghiệp mới nổi vốn còn xa lạ với nhà đầu tư. Nhiều tỉnh thành trước đây không phải là thủ phủ công nghiệp đình đám nhưng nay cũng đang ngấp nghé đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và nhà xưởng, kho bãi nhằm bắt nhịp với làn sóng công nghiệp mới đang bùng nổ mạnh mẽ nhất trong vòng 25 năm qua. Với lực đẩy đó, thị trường BĐS nhà ở tại những thị trường này sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.