Sớm đề xuất mức thuế cao hơn với người nhiều bất động sản, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang

Quốc hội giao Chính phủ sớm nghiên cứu quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Quốc hội thông qua Nghị quyết 161/2024/QH15 ngày 23/11/2024 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật về thuế, có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.

Quy định này phải bảo đảm đồng bộ với những nội dung đổi mới trong pháp luật về đất đai, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, thực hiện mục tiêu tái phân phối thu nhập và động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ngoài ra Quốc hội giao Chính phủ rà soát cơ chế, chính sách bảo đảm quyền tiếp cận các nguồn lực để triển khai thực hiện dự án bất động sản; tạo điều kiện cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, có hiệu quả, đã hoàn thành thủ tục và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Kiên quyết xử lý đối với các trường hợp đất đã được Nhà nước giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, không sử dụng, sử dụng lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật, chủ đầu tư năng lực yếu kém, không có khả năng hoàn thành, hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ trách nhiệm hướng dẫn, giải quyết trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, giảm thiểu rủi ro pháp lý và rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án; thực hiện nguyên tắc vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết; khắc phục tình trạng Bộ, ngành hướng dẫn, trả lời chung chung, thiếu cụ thể.

Trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc thi hành pháp luật, cần kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền giải thích pháp luật theo quy định. Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị, không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.

Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách chế độ công vụ, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết, chuyển đổi từ quản lý quy trình sang quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.