Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính.
Dự thảo nêu rõ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng, sổ đỏ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất và tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận gồm một tờ có 02 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận), có kích thước 210 x 297 mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
Trang 1 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung:
- Quốc hiệu;
- Quốc huy;
- Mã QR code;
- Tên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất" in màu đỏ;
- Mục "1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất";
- Mục "2. Thông tin thửa đất";
- Mục "3. Thông tin tài sản gắn liền với đất";
- Mục "4. Ghi chú";
- Mục "5. Sơ đồ thửa đất";
- Địa danh, ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký Giấy chứng nhận tại góc dưới cùng bên phải Trang 1 của Giấy chứng nhận;
- Nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận.
Trang 2 của Giấy chứng nhận gồm các nội dung:
- Mục "6. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận:";
- Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
Thông tin về người được cấp sổ đỏ, sổ hồng sẽ kèm theo số chứng minh thư nhân dân, số căn cước công dân, nhưng từ ngày 1/1/2025 không sử dụng thông tin của chứng minh thư nhân dân theo quy định của Luật Căn cước.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ nhân thân ghi "Hộ chiếu số:…, nơi cấp:…, năm cấp:…"; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam nếu có.
Theo Thông tư, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai có trách nhiệm xây dựng quy định về yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận; tổ chức việc in ấn, phát hành phôi Giấy chứng nhận cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương sử dụng; Lập và quản lý sổ theo dõi phát hành phôi Giấy chứng nhận; c) Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở các địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập kế hoạch sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương gửi về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.
Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận ở địa phương. Tổ chức tiêu hủy phôi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận đã in hoặc viết bị hư hỏng theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Báo cáo định kỳ tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận của địa phương về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.
Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về nhu cầu sử dụng phôi Giấy chứng nhận trước ngày 20 tháng 10 hằng năm.
Đồng thời, tiếp nhận, quản lý, lập sổ theo dõi nhận, cấp phát và sử dụng phôi Giấy chứng nhận. Thường xuyên tự kiểm tra việc quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận để bảo đảm sự thống nhất giữa sổ theo dõi và phôi Giấy chứng nhận thực tế đang quản lý, đã sử dụng.
Bên cạnh đó, tập hợp, quản lý các phôi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận đã in hoặc viết bị hư hỏng gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức tiêu hủy.
Báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý, sử dụng phôi Giấy chứng nhận về Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ 06 tháng trước ngày 20 tháng 6, định kỳ hằng năm trước ngày 20 tháng 12 hằng năm.
Sau khi lấy ý kiến người dân và các bộ ngành, địa phương trong tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành thông tư.