Siêu dự án cao tốc 36 nghìn tỷ nối TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có chiều dài 70km với tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng. Tuyến đường này ra đời không chỉ liên kết vùng, giúp tăng năng suất lưu chuyển hàng hóa mà còn giảm tai nạn, ùn tắc giao thông.

Theo đó, Chính phủ đã đồng ý, giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền để triển khai đầu tư xây dựng dự án đường bộ cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư.

Chính phủ cũng yêu cầu cần xác định rõ trách nhiệm chi trả chi phí giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của từng địa phương. Việc hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án cao tốc chỉ hỗ trợ một phần.

Siêu dự án cao tốc 36 nghìn tỷ nối TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ra đời sẽ đối nối các đường vành đai giúp việc lưu thông hàng hóa thuận lợi

Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để triển khai dự án.

Theo kế hoạch đã được thông qua, tuyến cao tốc dài khoảng 70km, khái toán kinh phí khoảng 36.000 tỉ đồng. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Phước quy mô 6 làn xe để đồng bộ với tuyến cao tốc Đăk Nông - Chơn Thành.

Theo khái toán, tổng kinh phí khoảng 36.000 tỉ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỉ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỉ đồng. Đối với đoạn qua địa bàn TP.HCM dài khoảng 1,5 km, từ nút giao Gò Dưa đi trên cao đến ranh tỉnh Bình Dương, khái toán khoảng 3.000 tỉ đồng.

Đoạn qua Bình Dương khoảng 57km, bao gồm 28km đi trên cao, xây dựng khoảng 10 cầu vượt, khái toán khoảng 30.000 tỉ đồng. Còn đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước khoảng 11,5 km, khái toán khoảng 3.000 tỉ đồng.

Siêu dự án cao tốc 36 nghìn tỷ nối TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh 2.

Hiện, các tuyến đường nối Bình Dương đến TP.HCM liên tục ùn tắc giao thông nhiều giờ liền



Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành xây dựng đạt tiêu chuẩn vận tốc thiết kế 100km//h, giai đoạn phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng mặt đường 17m, bề rộng cầu 17,5m.

Sau khi đưa vào sử dụng, đây sẽ là tuyến huyết mạch, thúc đẩy kinh tế - xã hội liên vùng, đặc biệt đi qua tỉnh Bình Dương, nơi phát triển công nghiệp lớn nhất nước với 29 khu công nghiệp.

Đồng thời, tuyến đường cao tốc này sẽ tạo động lực, đòn bẫy cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển, rút ngắn thời gian và lộ trình giữa 3 tỉnh, thành. Không chỉ vậy, nhờ có tuyến đường này mà TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương giảm bớt áp lực giao thông khi mà số dân kéo về sinh sống và làm việc ngày càng tăng cao. Hiện, các tuyến đường thường xuyên ùn tắc cục bộ nhiều giờ liền vì lượng phương tiện di chuyển quá nhiều.

Ngay sau khi nghe tin tuyến cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ ra đời, người dân của 3 tỉnh, thành này chờ đợi và hi vọng sớm được triển khai. Bởi, hiện các tuyến đường lớn hiện nay như: Quốc lộ 13, Mỹ Phước Tân Vạn, ĐT 741, ĐT 743… luôn trong tình trạng ùn tắc nhiều giờ liền.

Siêu dự án cao tốc 36 nghìn tỷ nối TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bình Dương và Bình Phước ký kết hợp tác thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Giới chuyên gia kinh tế đánh giá, cao tốc TP HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành hình thành là một điều tất yếu và phù hợp với định hướng phát triển của khu vực chiếm 43% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.

Hiện nay, để di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Bình Phước qua huyện Chơn Thành hay TP Đồng Xoài với khoảng cách từ 95-100 km với các tuyến đường mật độ xe rất cao như DT 741, DT 743, Quốc lộ 13, Quốc lộ 14. Thời gian di chuyển khoảng từ 3-4 tiếng. Tuy nhiên, nếu có đường cao tốc việc di chuyển của phương tiện với khoảng cách đó chỉ từ 1-2 tiếng.

Bên cạnh đó, sau khi cao tốc này hình thành sẽ cùng với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – Đà Lạt, Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương kết hợp cùng với các đường Vành Đai xung quanh thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, sẽ giúp cho việc giao thông và kinh tế vùng phát triển mạnh.

“Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành có tổng chiều dài gần 70km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Dương có chiều dài gần 60km. Việc xây dựng tuyến cao tốc này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh ba địa phương mà còn là góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam nói.