Sẽ bãi bỏ nhiều chính sách miễn giảm tài chính về đất đai: Doanh nghiệp thêm chi phí?

Chính sách tài chính lĩnh vực đất đai như miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất thực hiện nhiều năm qua đang được đề xuất bãi bỏ. Bộ Tài chính lý giải, việc bãi bỏ này để phù hợp với Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực.

Bỏ miễn giảm khoảng 3.000 tỷ đồng tiền thuê đất mỗi năm

Bộ Tài chính cho biết, đang dự thảo Quyết định về bãi bỏ 9 quyết định của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính đất đai. Trong đó, có 4 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước các năm 2020, 2021, 2022 và 2023 cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Sẽ bãi bỏ nhiều chính sách miễn giảm tài chính về đất đai: Doanh nghiệp thêm chi phí?

Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ nhiều quyết định miễn giảm tiền thuê đất. Ảnh minh họa: TT

Các quyết định này được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất hàng năm. Mỗi năm, số tiền thuê đất được miễn giảm cho người dân, doanh nghiệp gần 2.900 tỷ đồng. Tổng số tiền miễn giảm tiền thuê đất trong 4 năm (từ 2020-2023) cho người dân, doanh nghiệp thuộc các quyết định này khoảng 11.500 tỷ đồng.

Là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách miễn giảm tiền thuê đất, bà Nguyễn Thu Thủy - Giám đốc doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, dịch vụ thể thao tại Hà Nội cho biết, công ty có thuê đất Nhà nước trả tiền hàng năm với diện tích gần 13.000m2. Tổng số tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp giai đoạn 2020 - 2023 khoảng 21 tỷ đồng. Trong khi đó, đây là giai đoạn doanh nghiệp sụt giảm doanh thu do nhiều lần đóng cửa vì dịch COVID-19.

“Chính sách miễn giảm tiền thuê đất do tác động của dịch COVID-19 đã giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền trả lương người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh. Dù đã hết giai đoạn dịch bệnh nhưng doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn, chúng tôi rất ngóng chờ được tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất năm 2024”, bà Thủy chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, có 5 quyết định miễn, giảm tiền thuê đất trong các dự án xây dựng công trình phụ trợ đường cao tốc quốc gia; dự án xây kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh, bảo quản thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê; miễn tiền sử dụng đất ho hộ dân làng chài, đầm phá di chuyển đến khu tái định cư; miễn, giảm tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với đất ở có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.

Là một trong các bộ liên quan tới quyết định đang được đề xuất bãi bỏ, Bộ KH&ĐT cho rằng, việc bãi bỏ quyết định lĩnh vực tài chính đất đai là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị ban soạn thảo cần xin ý kiến đối tượng chịu tác động và rà soát nội dung dự thảo với Luật Đất đai năm 2024 để thống nhất quy định. Ban soạn thảo cũng cần rà soát trường hợp chuyển tiếp và xử lý vấn đề cụ thể nếu có để đảm bảo việc bãi bỏ quyết định không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Một số bộ ngành muốn “giữ”

Sau đề xuất của Bộ Tài chính, một số bộ ngành mong muốn giữ lại quy định miễn giảm thuế do lo ngại ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị. Bộ Quốc phòng đề nghị chưa bãi bỏ 3 quyết định miễn giảm tiền thuê đất của năm 2021, 2022 và 2023. Bộ Quốc phòng cho rằng, việc dừng hỗ trợ miễn giảm sẽ ảnh hưởng kế hoạch sử dụng đất của đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng đã phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Nghị quyết 132/2020/QH14.

Trả lời đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với lao động, sản xuất xây dựng kinh tế được thực hiện trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực (1/8/2024). Tuy nhiên sau thời điểm 1/8/2024, các chính sách tài chính về đất đai sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tương tự, Bộ Xây dựng cũng đề nghị chưa bãi bỏ Quyết định số 48/2012/QĐ-TTg ngày 1/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Quyết định số 204/2005/QĐ-TTg về điều chỉnh, bổ sung đối tượng và cơ chế vay vốn xây dựng nhà ở thuộc chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, không tiếp thu đề xuất này. Theo Bộ Tài chính, trường hợp Bộ Xây dựng theo trách nhiệm quản lý Nhà nước được giao, nếu thấy cần thiết miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với trường hợp này có thể đề xuất Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất cho người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh và đối tượng đặc biệt như dự án trọng điểm, đối tượng chính sách vùng sâu vùng xa đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, chính sách này phù hợp với hoàn cảnh, thời điểm nhất định. Ông Thịnh dẫn ví dụ, dịch COVID-19 đã kết thúc, việc dừng chính sách hỗ trợ là phù hợp.

“Để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi pháp luật, văn bản pháp luật phải thống nhất, đồng bộ. Tôi cho rằng việc bãi bỏ các quyết định này cho đồng bộ với Luật Đất đai 2024 cần thiết. Tuy nhiên, sau khi bãi bỏ, cơ quan chức năng cần có phương án xử lý phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, tránh chồng chéo”, ông Thịnh đề xuất.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng số tiền miễn giảm tiền thuê đất trong 4 năm (từ 2020-2023) cho người dân, doanh nghiệp thuộc các quyết định của Thủ tướng Chính phủ dành cho đối tượng ảnh hưởng dịch COVID-19 khoảng 11.500 tỷ đồng. Dự toán thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước năm 2024 gần 27.000 tỷ đồng. Số thu 9 tháng của năm 2024 đạt gần 30.900 tỷ đồng, đạt 114% so với dự toán và tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Số thu tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2024 tăng, theo Bộ Tài chính, do chưa thực hiện chính sách miễn giảm so với 4 năm liền kề trước đó.