Khi thông tin huyện Đông Anh sẽ lên quận với nhiều dự án đầu tư nguồn vốn lớn hình thành, thị trường mua bán nhà đất Đông Anh đã chứng kiến cơn sốt giá mạnh suốt từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2021.
Sau giai đoạn đỉnh dịch sốt đất, giá đất Đông Anh có dấu hiệu chững lại nhưng hiện bắt đầu có dấu hiệu tăng nóng trở lại. Giá đất trung bình tại Đông Anh hầu hết đều tăng lên 10 - 20% với các vị trí nằm trong ngõ, còn nơi mặt đường lớn ô tô đi lại, giá đã tăng đến 30 - 40%.
Theo khảo sát, giá đất thổ cư nằm ở mặt ngõ rộng khoảng 2,5m dao động từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m, ô tô có thể di chuyển vào được dao động từ 45 - 55 triệu đồng/m2. Đặc biệt, những mảnh đất nằm ở đường lớn, mức giá đã dao động từ 100 - 150 triệu đồng/m2, tùy vị trí, ngang ngửa với những vị trí đẹp tại trung tâm Hà Nội.
Đơn cử như giá đất tại xã Kim Chung, những tháng cuối năm 2021 giá đất trung bình tại đây rơi vào khoảng 29 triệu đồng/m2, tuy nhiên, hiện tại, theo khảo sát giá đất tại địa bàn này rơi vào khoảng 38-40 triệu đồng/m2.
Hay như xã Cổ Loa, giá đất trung bình hiện cũng tăng khoảng 25% từ 28 triệu đồng/m2 lên khoảng 35 triệu đồng/m2.
Tại xã Đông Hội, giá đất trung bình từ đầu năm 2021 khoảng 32 triệu đồng/m2 nhưng hiện cũng tăng khoảng 26% lên 40 triệu đồng/m2.
Các môi giới cho biết, đất Đông Anh tăng giá bởi các thông tin tích cực. Hàng loạt môi giới tập trung, chào mời khách, giống như hội chợ bất động sản. Thông tin kỳ vọng lên phố lên phố liên tục được các “cò” đất lấy ra để chào mời như “miếng bánh béo bở” khi xuống tiền.
Hiện lượng tin rao bán, nhà đất ăn theo thông tin huyện Đông Anh sắp quy hoạch thành thành phố trên các website và mạng xã hội cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều môi giới còn khẳng định nếu không nhanh tay xuống tiền mua đất ở huyện này thì vài năm tới sẽ tiếc "đứt ruột" vì không còn đất mà mua.
Mặc dù, giá đất liên tục được đẩy lên cao nhưng thời điểm hiện tại, lượng nhà đầu tư quan tâm đến khu vực Đông Anh và một số huyện vùng ven Hà Nội có xu hướng đi xuống.
Theo anh Nguyễn Tình - môi giới tại Hà Nội cho biết, hiện giá đất rao bán tại khu vực Đông Anh đã quá cao so với kỳ vọng và hạ tầng trong khu vực. Do đó, nhà đầu tư không còn quan tâm nhiều tới khu vực này. Bởi, khi giá đã tăng kịch trần, thậm chí vượt trần, nếu xuống tiền nhà đầu tư khó có lãi hoặc phải để thời gian rất lâu. Nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn chuyển hướng tới các khu vực mặt bằng giá vẫn thấp và còn lý do tăng giá.
Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2022, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường, Batdongsan.com.vn cho biết, mức độ quan tâm đất nền ở Hà Nội có sự suy giảm ở một số huyện Đông Anh (25%), Gia Lâm (14%) và một số khu vực phía Tây suy giảm nhẹ như Thạch Thất, Quốc Oai,...
Cũng theo đơn vị này, mặc dù mức độ quan tâm giảm nhưng giá rao bán vẫn tăng tốt cả khu phía Đông và phía Tây Hà Nội. Cụ thể, giá rao bán đất nền tại huyện Đông Anh tăng 20%, Gia Lâm tăng 21%, Thạch Thất tăng 11%, Quốc Oai tăng 26%, Chương Mỹ tăng 74%.
Thị trường bất động sản huyện Đông Anh khoảng chục năm trở lại đây liên tục tăng giá nhờ nhiều nguyên nhân: Địa bàn đẹp hạ tầng đã và đang được đầu tư bài bản, hơn nữa Đông Anh còn được hưởng lợi từ hạ tầng quốc gia với trục giao thông quan trọng Nhật Tân - Nội Bài; đặc biệt trước thông tin huyện này sẽ lên quận vào năm 2023 (chậm nhất 2024).
Mặc dù được hưởng nhiều lợi thế, song các chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng trước sự sốt đất ảo tại địa phương này. Theo một môi giới lâu năm tại Đông Anh, sốt đất ảo ở đây là có thật.
Đại diện huyện Đông Anh cũng đưa ra cảnh báo cho các nhà đầu tư cần cân nhắc kĩ trước các thông tin tăng giá, sốt đất, người mua cần hết sức tỉnh táo. Để tránh môi giới tự ý đẩy giá đất lên mà người dân không nắm được thông tin, dẫn đến bất ổn trong diễn biến về bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiện nay, thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền ở các tỉnh đang được đẩy mạnh quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022, nhưng rất khó xuất hiện tình trạng "sốt" đất.
Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư trải qua nhiều cơn sốt đất đã có nhận thức tốt hơn về những rủi ro khi lướt sóng thất bại. Đồng thời, thông tin về nhà đất đang ngày càng công khai, minh bạch hơn, khó lợi dụng quy hoạch tạo giá ảo như trước đây.
"Trong năm 2022, thị trường có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước", ông Lực dự báo.
#/sau-loat-con-sot-dat-dien-cuong-thi-truong-bat-dong-san-khu-vuc-nay-dien-bien-ra-sao-2022041016575682.chn