Giấc mơ an cư ngày càng trở nên xa vời khi giá bất động sản tăng không ngừng. Bất chấp thanh khoản sụt giảm ở giai đoạn vừa qua, thì giá bất động sản vẫn tăng.
Đơn cử như phân khúc chung cư, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, mỗi căn hộ đã qua sử dụng tăng trung bình 50%. Thậm chí, ở thời điểm giáp Tết, giá chung cư vẫn tiếp tục tăng không ngừng.
Đối với loại hình nhà đất, chỉ có giai đoạn chững lại và giảm nhẹ ở thời điểm cuối năm 2022, bước sang nửa đầu năm 2023. Còn lại, ngay sau đó, loại hình này bắt đầu chuyển hướng gia tăng, quay trở lại mốc cũ. Thậm chí, nhiều chủ nhà bắt đầu tăng giá thêm vài trăm triệu. Tâm lý “găm hàng” chờ bất động sản hồi lan rộng. Người bán vẫn đợi chờ cơn sóng mới để bán có lời. Tính sơ bộ, nhìn chung, người mua bất động sản chỉ tính trung bình 3 năm đều có lời.
Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận, giá bất động sản đã không ngừng tăng trong một thập kỉ qua và ngày càng bỏ xa thu nhập của người dân. Cụ thể, chỉ số tăng giá chung cư Hà Nội và TP.HCM đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân khi sau 8 năm, tính từ 2015 đến nay, giá chung cư tại hai đô thị trọng điểm về nhà ở tăng lần lượt là 82% với TP.HCM và 56% với Hà Nội.
Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%. Như vậy, giá nhà TP.HCM cao gần bằng 24 năm thu nhập của người dân, giá nhà Hà Nội cao bằng 23 năm thu nhập.
Báo cáo thị trường của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định, giá bất động sản đã tăng gấp hàng chục lần trong thập kỷ qua. Riêng trong năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai con số và dự báo trong năm 2024, giá bán chung cư sơ cấp sẽ tiếp tục tăng trung bình khoảng 3 – 8%.
Ông Ngô Phương, CEO Bảo An Group cho rằng, giai đoạn sau 2013, giá của thị trường biến động khác biệt so với trước đó. Tức là, giá thị trường gần như mặc định bằng giá mà người bán rao ra. Mức giảm so với mức giá rao ra không lớn. Đây là lý do mà nhiều chủ đầu tư đẩy hàng, đưa ra mức giá bán cho sản phẩm thì mức giá này gần như mặc định là giá mới của bất động sản trên thị trường.
Ở góc độ nhìn nhận khác, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn phân tích, nguồn cung vẫn khan hiếm do vấn đề về pháp lý, vốn,… chưa được tháo gỡ.
Thế nên, các doanh nghiệp có nguồn hàng mở bán giai đoạn này đang giữ thế thượng phong. Họ sẽ tiếp tục giữ giá cao để tối đa hoá lợi nhuận nếu không gặp khó về dòng tiền. Bên cạnh đó, quá trình giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, hệ thống hạ tầng từ giao thông tới xã hội không ngừng được cải thiện khiến mặt bằng giá bất động sản tiếp tục có cơ sở leo thang.
Vị này còn lý giải, giá bất động sản tăng cao còn bởi các chi phí liên quan tăng mạnh, từ chi phí tạo lập quỹ đất, giá vật liệu xây dựng, chi phí đầu tư, xây dựng, nhân công cũng không ngừng tăng khiến giá bất động sản khó giảm.
Theo ông Quốc Anh, lãi suất thấp cùng lạm phát cao cũng là những yếu tố góp phần làm giá bất động sản tăng liên tục thời gian qua.