Theo thông báo của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), sáng nay (24/12) Bộ này sẽ phối hợp với UBND các tỉnh Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Lễ khánh thành 4 Dự án theo hình thức truyền hình trực tuyến, gồm:
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (Tại điểm cầu chính tỉnh Điện Biên);
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ);
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (tại điểm cầu tỉnh Vĩnh Long);
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu (tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang).
Đây là dự án trọng điểm ngành giao thông được khánh thành và đưa vào khai thác vào dịp cuối năm 2023 theo đúng kế hoạch.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên cùng một thời điểm, Bộ GTVT và các Chủ đầu tư tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác đồng thời nhiều dự án của các lĩnh vực khác nhau bao gồm 1 cảng hàng không, 2 tuyến đường bộ cao tốc và 1 cầu dây văng quy mô lớn.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên
Ngày 27/03/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 470/QĐ-TTg về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Dự án có quy mô khu bay gồm đường cất hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác gồm: cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300 nghìn khách/năm lên 500 nghìn khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ, khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác máy bay A320, A321 và tương đương.
Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư là hơn 1.470 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Công tác giải phóng mặt bằng với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh Điện Biên. Dự án được khởi công ngày 22/01/2022 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư.
Dự án đã hoàn thành vào cuối tháng 11/2023 và chính thức đưa vào khai thác trở lại vào ngày 02/12/2023. Đây là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1768/QĐ-TTg ngày 6/12/2019 theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án có điểm đầu tại Km0 00 (tại Km127 500 của QL2) thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại Km40 200 kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa giới thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Dự án được xây dựng với tổng chiều dài tuyến là 40,2 km (trong đó địa phận tỉnh Tuyên Quang là 11,3 km; địa phận Phú Thọ là 28,9 Km); tổng mức đầu tư 3.712,97 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, cơ quan chủ quản là Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.
Dự án được khởi công vào ngày 1/2/2021; đến nay đã cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh được duyệt (hoàn thành năm 2023).
Việc hoàn thành dự án từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 2; rút ngắn thời gian di chuyển, kết nối giữa tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ với Thủ đô và mạng lưới giao thông quốc gia, nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1
Đây là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 839/QĐ-TTg ngày 16/6/2020 và Bộ GTVT phê duyệt dự án tại Quyết định số 1170/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2020, với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, chiều dài tuyến 23 km.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107 363, thuộc phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130 337, thuộc địa phận Tx. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với QL1 tại nút giao Chà Và.
Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công vào ngày 1/2/2021; hiện đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng thông xe, đưa vào khai thác.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu
Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Ban Quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư của dự án là 5.003,064 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư Ngân sách nhà nước.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên trục đường cao tốc từ TP. HCM đi thành phố Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61 km.
Cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350m, tĩnh không thông thuyền 37,5m, bề rộng mặt cầu 28m (gồm 06 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với vận tốc thiết kế Vtk = 100 km/h, riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn thiết kế với vận tốc Vtk = 80 km/h để giảm kinh phí đầu tư.
Dự án được khởi công ngày 16/3/2020; đến nay các đơn vị thi công đã hoàn thành toàn bộ Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu để đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và dự án cầu Mỹ Thuận 2 là hai dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP.HCM đến thành phố Cần Thơ dài 120 km.
Hai dự án hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay.