Ngay từ cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã dành một phần ngân sách lùng mua trang trại, nhà vườn ở ven TP. HCM và dòng vốn đầu tư này ngày càng mạnh đến mức giám đốc một công ty bất động sản nhận định sẽ trở thành trào lưu ngôi nhà thứ hai ở Việt Nam từ năm nay.
Xu hướng này được ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc CTCP Bất động sản Netland khẳng định khi chứng kiến số lượng ngày càng tăng các nhà đầu tư đổ về các tỉnh miền Tây như Long An, Tiền Giang, và các tỉnh miền biển như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận để lùng mua đất làm nhà vườn.
Giới đầu tư bất động sản đều nhìn nhận Đồng Nai và Lâm Đồng đang là hai điểm đến có sức hút lớn đối với khách hàng mua đất làm nhà vườn. Người mua ở những địa phương này không chỉ đến từ phía Nam như TP. HCM hay Bình Dương, mà còn có cả người Hà Nội và Quảng Ninh.
Chính vì vậy, đất vườn ở Đồng Nai giao dịch sôi động suốt từ Tết tới nay khiến giá đất nông nghiệp tăng nhanh, ông Quang cho biết.
Trước khi có dịch Covid-19, giá đất vườn ở Đồng Nai chỉ từ 500 - 600triệu đồng/1000m2. Nhưng từ khi có thông tin nhiều người Việt về nước và Chính phủ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thì giá tăng liên tục, hiện giao dịch từ 600 triệu - 1 tỷ đồng/1000m2.
Điểm nóng Đà Lạt
Tuy nhiên, Lâm Đồng mới là địa điểm được nhiều khách hàng lựa chọn nhất, trong đó, giao dịch sôi động nhất là khu vực Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lâm và một phần Di Linh.
Điểm đặc biệt ở những khu này là người Hà Nội và Bình Dương mua nhiều nhất, rồi mới tới người TP. HCM.
“Nếu lên Đà Lạt trước thời điểm dịch Covid-19 thì sẽ rất khó kiếm đất bởi cứ có mảnh nào nhả ra là có người mua. Giữa tháng 3, tôi có mặt ở Đà Lạt, thì thấy dân đi chơi thì ít mà lượn ô tô đi tìm mua đất thì nhiều.
Tuy nhiên, sau đó Nhà nước áp dụng chính sách giãn cách xã hội và cũng một phần do người dân sợ lây lan dịch bệnh nên ít xe đi kiếm đất hơn và mình cũng may mắn dễ kiếm đất hơn lúc trước”, ông Quang cho biết.
Lý giải sức hút của Lâm Đồng, ông Quang cho rằng, Đà Lạt được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào 2025, Bảo Lộc là đô thị hạt nhân ở phía Nam tỉnh và Đức Trọng trở thành cửa ngõ và trung tâm kinh tế mới.
Bên cạnh đó, Chính phủ mới đây đã yêu cầu giải ngân 17.000 tỷ đồng chuẩn bị làm sân bay Long Thành ở Đồng Nai và đang xúc tiến đầu tư tuyến cao tốc từ Dầu Giây lên Đà Lạt.
Còn ông Đoàn Quý Lâm, quản trị của nhóm "Bỏ phố về rừng" nhận định thành phố Đà Lạt có khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí rất lý tưởng để nghỉ dưỡng
Cụ thể, cách đây hơn 100 năm, người Pháp đã chọn Đà Lạt làm nơi an dưỡng cho cán bộ cấp cao của chính quyền Pháp ở Đông Dương. Ngay cả vua Bảo Đại cũng xây dựng ba dinh làm nơi nghỉ dưỡng.
Ngoài sân bay Liên Khương, từ Đà Lạt có thể đi biển Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa hay Đồng Nai, TP. HCM và các tỉnh tây nguyên khác với bán kính từ 100-300km.
Theo ông Lâm, nhiều người khi có quyết định rời phố về rừng nhưng lại sợ nơi mình đến văn hóa quá thấp nên có cảm giác buồn tẻ nhưng Đà Lạt lại khác. Từ thời trước, Đà Lạt đã là nơi hội tụ, tìm về của giới trí thức, tinh tú. Đà Lạt còn là nơi giao thao văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Chính những yếu tố này làm cho Đà Lạt đang nổi lên là điểm đến của xu hướng bỏ phố về rừng để mua đất làm nhà vườn, khiến giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt và nhiều khu vực ở Lâm Đồng tăng giữa tâm dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo ông Quang, đất Đà Lạt khó mua nếu không có một môi giới thổ địa quen biết nhiều cơ quan quản lý địa phương vì phần lớn đất do dân khai thác và chưa làm sổ, đất nông nghiệp không có thổ cư, đất dính đất rừng hoặc quy hoạch khác.
Một đặc điểm nổi bật là đất Đà Lạt chủ yếu là đất nông nghiệp, chưa có sổ. Nếu mua đất nông nghiệp có sổ thì giá cao và đất có chút thổ cư nữa lại càng đắt hơn. Giá đất tùy thuộc vào vị trí, tình trạng pháp lý và hướng đất.
Cụ thể, giá đất nông nghiệp không thổ cư khu vực Đà Lạt dao động từ 400 triệu tới 10 tỷ đồng/1000m2. Nếu đất có thổ cư thì giá trên 10 triệu đồng/m2, tùy vị trí và hướng đất.
Giá đất ở huyện Đức Trọng dao động 500 - 700 triệu đồng/1000m2. Đất xung quanh khu du lịch Lộc An ở huyện Bảo Lâm và huyện Di Linh từ 300 - 450 triệu đồng/1000m2.