Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, yêu cầu địa phương bố trí quỹ đất dự trữ để nghiên cứu xem xét đầu tư xây dựng cảng hàng không tại Dầu Tiếng (gọi tắt sân bay Dầu Tiếng).
Trước đó, vào năm 2023, tỉnh Bình Dương cũng đã dự kiến bổ sung vào quy hoạch dự án sân bay lưỡng dụng với diện tích khoảng 200 ha. Đề xuất này nằm thuận lợi để lập dự án xây dựng sân bay phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng trong những năm tiếp theo. Theo quy hoạch, xã Định An của huyện Dầu Tiếng là nơi bố trí đất cho kế hoạch làm sân bay lưỡng dụng. Tuy vậy, từ đó đến nay, đề xuất này mới chỉ là ý tưởng của tỉnh, chưa được thông qua.
Dù chỉ mới là đề xuất trên giấy nhưng thị trường bất động sản Bình Dương đã vài lần tăng nhịp ăn theo thông tin sân bay. Vào năm 2023, nhiều “cò đất” liên tục tung tin với các nội dung như "sắp có sân bay ở Dầu Tiếng"; "đất Dầu Tiếng chuẩn bị "sốt" khi có sân bay"; "cơ hội đầu tư đất sinh lời tại Dầu Tiếng... để thu hút nhà đầu tư.
Cũng trong thời điểm này, tỉnh Bình Dương đã tiến hành họp, báo cáo rà soát đầu tư xây dựng hạ tầng khu quy hoạch sân bay quốc phòng H.Dầu Tiếng. Thậm chí, lãnh đạo UBND H.Dầu Tiếng thông tin, địa phương này đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình xây dựng hạ tầng khu quy hoạch đất sân bay quốc phòng H.Dầu Tiếng giai đoạn 1 (giải phóng mặt bằng) với khoảng 50 ha tại xã Định An); bao gồm trên 44,3 ha đất Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng và trên 5,1 ha đất của các hộ dân.
Đến nay, UBND H.Dầu Tiếng (Bình Dương) đang triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ quy hoạch sân bay Dầu Tiếng trên địa bàn xã Định An (H.Dầu Tiếng). Trên thực tế, việc thu hồi đất được UBND tỉnh Bình Dương thực hiện từ năm 2015 với mục đích vụ quy hoạch xây dựng sân bay thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy hoạch chi tiết các điểm đất doanh trại, thao trường, công trình đất quốc phòng huấn luyện chiến đấu; xây dựng doanh trại, căn cứ, kho tàng trận địa phòng thủ góp phần bảo vệ tổ quốc.
Vin vào cớ rục rịch thu hồi đất để triển khai xây sân bay, một số nhóm “cò đất” đã vào làm thị trường. Tại khu vực trên đường ĐH 704 (xã Định An) giá đất đã bị thổi lên nhiều lần so với năm 2021. Trước đây, giá chuyển nhượng các lô đất rơi vào khoảng 1,5-2 tỉ đồng/ha (tuỳ vị trí), đến đầu năm 2023 khi thông tin đề xuất làm sân bay Dầu Tiếng đã khiến giá đất thổi lên gấp 2,3 lần. Ngay cả những lô đất trước nay không ai để ý cũng tăng dựng đứng.
Cùng với đó, thị trường cũng xuất hiện một số nhà đầu tư đã vào ôm nhiều lô đất xung quanh khu đất bị thu hồi (50ha) nhằm đón sân bay. Cò đất cũng liên tục “đánh tiếng” về việc xây sân bay để bán hàng và tăng giá “vô tội vạ” ở một số lô đất. Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước, từ năm 2023 đến nay thị trường Bình Dương không có hiện tượng đổ xô đi gom đất tạo sốt ảo trong khoảng thời gian ngắn như một số khu vực từng đề xuất xây sân bay.
Thực tế, thị trường đất nền tỉnh lân cận Tp.HCM đã từng xuất hiện sóng “ăn theo” thông tin sân bay để thổi giá đất. Hệ quả là nhiều nhà đầu tư hiện vẫn “ôm bom”.
Chẳng hạn, vào đầu năm 2021, sau khi có thông tin lãnh đạo tỉnh Bình Phước khảo sát vị trí để nghiên cứu lập dự án sân bay Técnic ở 2 xã Tân Lợi và An Khương (H.Hớn Quản), hàng ngàn lượt người đã đổ về đây để tìm hiểu và mua đất phân lô khiến giá đất tăng vọt.
Thời điểm này, nhiều "cò đất" đã lôi kéo những người có nhu cầu mua đất lướt sóng từ khắp nơi đổ về. Các mảnh đất sang nhượng nhanh chóng với giá chênh hàng chục đến hàng trăm triệu đồng diễn ra trong vài tuần rồi hạ nhiệt.
Theo một số môi giới, từ bài học sân bay Técníc, nhiều nhà đầu tư, người dân đã không còn vội vàng trong chuyện đầu tư. Chưa kể, thị trường bất động sản nhiều năm qua khó khăn chung, việc thổi giá đất theo thông tin hạ tầng hay quy hoạch sân bay không còn dễ dàng như giai đoạn trước.