Rầm rộ phân lô, bán nền ở Quảng Trị

Nhiều thửa đất vùng ven ở tỉnh Quảng Trị sau khi được người dân tự ý phân lô rồi rao bán nền rầm rộ đã trở thành bãi đất hoang. Còn chung quanh các khu đất đó đã xuất hiện hiện tượng thổi giá làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.

Bán sang tay nhiều lần

Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh đông người tập trung tại một khu đất vừa mới được san ủi ở thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) để tham gia chốt 12 thửa đất. Các thửa đất nằm sát nhau với tổng diện tích chừng 1.500m2 nằm trên tuyến đường giao thông nông thôn của xã Triệu Ái. Xung quanh khu đất có rừng trồng, mồ mả và một vài nhà dân thưa thớt. Theo nội dung clip, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ các thửa đất đã được bán, với giá mỗi thửa khoảng 700 triệu đồng.

"Một trong những nguyên nhân khiến giá đất có biến động bất thường là do các nhà môi giới sử dụng thông tin nhà ở, thị trường bất động sản không đúng, đồn thổi để mua đi bán lại, hưởng giá trị tăng thêm, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản. Từ đó gây nên hệ lụy người có nhu cầu khó tìm mua được đất do giá quá cao; hình thành vùng đất trống ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị".

Ông HÀ SỸ ĐỒNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị

Trước lúc việc mua bán các thửa đất này diễn ra, trên nhiều tài khoản mạng xã hội đã úp mở về việc mở bán các lô đất tiềm năng, cách dự án đường Hùng Vương nối dài ở TP Đông Hà không xa. Điều này khiến nhiều người đã tìm đến giao dịch.

 Rầm rộ phân lô, bán nền ở Quảng Trị  - Ảnh 2.

Những lô đất ở đường Đại Cồ Việt, TP Đông Hà đang “sốt” giá


Nhà ông Trịnh Minh Sê nằm cạnh các thửa đất vừa được rao bán trên. Từ ngày dựng nhà ở đây, lần đầu tiên ông Sê thấy có nhiều người tập trung đến để mua bán đất với giá cao như vậy. Ông Sê nói lô đất 1.500m2 nói trên trước đây là của ông, sau đó cho con trai, rồi con trai ông bán lại cho người khác. Ban đầu, lô đất chỉ có hơn 200m2 đất ở, lúc người khác mua lại đã tách thành 3 lô, và chuyển mục đích sử dụng thêm hơn 1.000m2…

Năm 2021, ở thôn Tân Phước (xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị) cũng ầm ĩ việc phân lô, bán nền 54 lô đất. Đó là một khu đất bao quanh là rừng tràm, ruộng lúa, được rao bán có mặt tiền hồ sinh thái, quy hoạch nghỉ dưỡng... Dù ở vùng ven, xung quanh đất trống, song nhiều đoàn xe rồng rắn tìm đến để giao dịch các lô đất. Hiện khu đất đang bị bỏ hoang.

Cơ quan chức năng vào cuộc "nguội"

Sau khi báo chí phản ánh 2 vụ việc phân lô, bán nền rầm rộ trên, cơ quan chức năng mới vào cuộc tìm hiểu, và phát hiện không ít sai phạm.

Trong vụ việc 12 lô đất ở xã Triệu Ái, sau khi clip “chốt đất” rầm rộ xuất hiện trên mạng xã hội, UBND huyện Triệu Phong đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra phát hiện trên diện tích đất 1.500m2 được tách làm 3 thửa. Khu vực này chưa có nước sạch, chưa được quy hoạch điểm dân cư, nên việc tự ý cắm cọc, phân ra nhiều lô là không đúng quy định.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho hay, hiện các cọc phân 12 lô đất đã bị địa phương gỡ bỏ. Công an huyện Triệu Phong đang điều tra quá trình mua bán, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để có biện pháp xử lý.

Sau ồn ào việc rao bán 54 lô đất ở thôn Tân Phước, xã Hải Lệ, cơ quan chức năng ở thị xã Quảng Trị vào cuộc tìm hiểu, mới biết từ một thửa đất rộng hơn 8.000m2 có 200m2 đất ở, nhiều cá nhân đã mua qua, bán lại rồi xin hiến đất làm đường bê tông, sau đó tách thành 54 “sổ đỏ”. Phát hiện có biểu hiện của việc phân lô, bán nền mà không lập dự án theo quy định, nên thủ tục chuyển đất ở của các lô đất này không được thông qua. “Sau sự việc mua bán ầm ĩ đó, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, đình chỉ các thủ tục liên quan đến các lô đất. Đến nay các lô đất yên ắng, không có bất kỳ hoạt động gì”, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ Nguyễn Đạo Ái cho biết.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, trên địa bàn tỉnh ghi nhận tình trạng một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định kinh doanh bất động sản; hiện tượng tăng giá đất bất thường và cục bộ ở từng khu vực cho thấy có sự tác động tiêu cực vào thị trường bất động sản gây “sốt ảo”. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận trường hợp một số đối tượng sử dụng phôi giấy chứng nhận giả để thực hiện các giao dịch về mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn. Những hạn chế này đã ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, trật tự xã hội trên địa bàn. “UBND tỉnh vừa ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tăng cường quản lý, giám sát, tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, tránh tình trạng để xảy ra “bong bóng” bất động sản, ông Đồng cho biết.