Một trong những nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi. Ông có kỳ vọng dự án sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường này?
- Chúng ta đều biết, Luật Đất đai là bộ luật rất quan trọng và cũng rất khó vì liên quan đến vấn đề về thể chế kinh tế, vốn đang là điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua. Việc quản lý đất đai cũng chưa thực sự tốt, cũng chưa thực sự tạo điều kiện để huy động nguồn lực đất đai cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cố gắng sau những lần sửa đổi, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Lần này, theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, lấy ý kiến toàn dân với hơn 12 triệu lượt ý kiến. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Quốc hội đã đưa ra dự thảo luật mới trình ra kỳ họp bất thường.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện, có tới 70% vướng mắc bất động sản chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý về đất đai. Nếu lần này có công cụ pháp luật mới để giải quyết được những điểm nghẽn này thì sẽ rất tốt. Tôi kỳ vọng và cũng tin tưởng lần họp bất thường này, Quốc hội sẽ thông qua dự án đặc biệt quan trọng này.
Có lẽ, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của kỳ họp bất thường lần này là để thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Điều này rất quan trọng và cấp thiết, bởi chúng ta đều biết, mỗi ngày chậm giải quyết những bất cập trong cơ chế về đất đai sẽ gây cản trở lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, theo ông, sẽ tác động ra sao đến các dự án thu hồi đất , các dự án bất động sản?
- Trong quản lý đất đai, một mặt chúng ta phải làm sao để đảm bảo đúng tính chất của đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, nhưng cũng phải đảm bảo được sự vận hành theo cơ chế thị trường. Những lúng túng của chúng ta có lẽ nằm ở những điểm cơ bản đó. Lĩnh vực đất đai tác động trực tiếp đến mọi thành phần kinh tế xã hội, do vậy, việc sửa đổi dự án này không hề đơn giản, cũng không thể đưa ra một dự luật hoàn hảo đến 100% được.
Do vậy, việc hoàn thiện chính sách về đất đai vẫn là công việc phải tiếp tục hoàn thiện trong tương lai. Tuy nhiên, qua nhiều vòng lấy ý kiến và sau những “phút bù giờ” chỉnh sửa, hoàn thiện, dự thảo đã cơ bản đáp ứng được rất nhiều yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc để có thể tạo ra được động lực mới cho sự phát triển.
Với một dự án luật quan trọng, cấp bách như vậy, theo ông cần làm gì để không rơi vào tình trạng “nằm chờ” nghị định, thông tư?
- Như tôi vừa nói, quá trình hoàn thiện thể chế về đất đai sẽ là một hành trình dài lâu, và sẽ làm từng bước một để làm sao đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Song thách thức lớn nhất trong việc hình thành chính sách đất đai lần này là việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, các nghị định, thông tư đi kèm. Đó là một khối lượng công việc rất đồ sộ, vì nó liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật khác.
Dự án Luật Đất đai sửa đổi sau khi được thông qua dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2025. Tất nhiên, quá trình hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cần rất nhiều thời gian. Nhưng bản thân tôi cũng mong muốn các văn bản đó phải được tiến hành một cách sớm nhất, nhanh nhất, để các chính sách sẽ đi vào cuộc sống ngay khi luật có hiệu lực.
Tôi cũng đề nghị, với một vài điểm được quy định trong dự thảo có thể áp dụng ngay từ năm 2024, chứ không cần chờ đến năm 2025. Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của Chính phủ. Qua đó, Quốc hội và Chính phủ có thể rà soát lại dự thảo luật, nếu những nội dung nào đã rõ và không cần phải hướng dẫn thêm thì có thể triển khai ngay trong năm 2024.
Ông có thể nêu một vài ví dụ cụ thể về nội dung sẽ được áp dụng ngay từ năm 2024?
- Tôi ví dụ như Điều 79 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã liệt kê các trường hợp cụ thể Nhà nước sẽ thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia. Với 32 loại dự án này, nên xem xét, loại dự án nào đã rõ, không cần phải hướng dẫn thêm thì có thể thực hiện ngay trong năm 2024. Ví dụ, với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật, thì có thể triển khai ngay.
Đấy là các dự án quốc gia, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc dân, với một loạt dự án đang vướng, không làm được. Nếu được thực hiện ngay, áp dụng ngay, Nhà nước thu hồi đất và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, thì có phải các dự án đó triển khai nhanh hơn không? Đặc biệt trong đó lại có nhiều dự án đầu tư nước ngoài.
Nếu sớm áp dụng chính sách này sẽ góp phần tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương triển khai các phương án đền bù giải phóng mặt bằng, sớm ổn định cuộc sống cho người dân và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thúc đẩy các dự án sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chúng ta đang cần thúc đẩy chính sách đầu tư, thúc đẩy các dự án phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay, điều đó càng trở nên ý nghĩa.
Còn về vấn đề định giá đất , cá nhân ông nghiêng về phương án nào?
- Vấn đề này các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều lần và mỗi phương pháp đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Với các văn bản đã chuẩn bị hiện nay, tôi thấy hoàn toàn phù hợp và có thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nhưng đây là bộ luật rất lớn, đòi hỏi có sự đồng thuận cao, nên có những nội dung có thể để lại tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Theo tôi, vấn đề quan trọng phải làm sao thúc đẩy thông qua và triển khai sớm dự án luật này. Bởi dự án càng được thông qua sớm ngày nào thì càng có lợi cho quốc kế dân sinh ngày đó. Những gì đã rõ, đã chín, phù hợp với chủ trương của Đảng, có sự đồng thuận cao thì cần phải sớm được thông qua. Với những vấn đề chưa đồng thuận, còn nhiều ý kiến khác, chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận và hoàn thiện dần trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông.