"Tôi thấy ở nhà thuê cũng linh hoạt mà. Mình không phải gắn bó cố định vào một chỗ, vẫn có thể di chuyển nếu không muốn sống ở khu vực đó nữa. Trong khi có tiền để đầu tư BĐS, cho tiền sinh ra tiền…". Đó là chia sẻ của một nhà đầu tư BĐS 33 tuổi có kinh nghiệm 7 năm trên thị trường BĐS.
Từ một môi giới BĐS, anh Đỗ Văn T, trở thành nhà đầu tư BĐS chỉ sau 2 năm vào nghề môi giới. Tính tổng thời gian, anh T có 7 năm trong lĩnh vực môi giới – đầu tư BĐS. Mặc dù tuổi đời còn khá trẻ, nhưng khối tài sản BĐS mà hiện anh T sở hữu cũng hàng tỉ đồng. Bởi, khi chia sẻ với chúng tôi, nhà đầu tư này khá khiêm tốn, tiết lộ chỉ khoảng hơn chục tỉ đồng. Nhưng, thực tế với cách "kiếm tiền như nước" từ nghề môi giới từ thời điểm năm 2014, "mát tay" trong đầu tư BĐS, mua đâu thắng đó, thì khối tài sản của anh T là không ít.
Được biết, ngoài các BĐS là đất nền tại Tp.HCM và Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai), thì nhà đầu tư trẻ này sở hữu các căn nhà phố trong khu đô thị; nhà phố riêng lẻ tại các KDC. Theo chia sẻ của anh T, vì "trúng mánh" vài lần đầu tư thời điểm mới vô nghề, anh nghĩ mình rất "mát tay" và "có duyên" với đầu tư nhà đất. Vì thế, cứ kiếm được tiền từ nghề môi giới BĐS anh lại bỏ vào đầu tư BĐS, hoặc bán BĐS này anh lại tái đầu tư vào BĐS khác. Cứ thế, tài sản của anh T được nhân lên theo thời gian.
Anh T quan điểm, cứ có tiền là bỏ hết vào BĐS, hưởng thụ sau. Ảnh: Minh hoạ
Anh T kể, có thời điểm anh cũng mua đất để xây nhà nhưng lại nghĩ ở nhà thuê có khi vẫn linh hoạt hơn. Với số tiền khoảng 3 tỉ để mua đất và xây nhà vùng ven, anh có thể thuê được căn hộ ở khu vực gần trung tâm để vừa đi làm, vừa gần các tiện ích sống. Số tiền đó anh để đầu tư vào BĐS, tiền sinh ra tiền. "Thực tế thì, mỗi căn nhà tôi mua xong vào ở vài tháng rồi bán lại. Hay, mua mảnh đất thuê thầu xây, rồi cũng vào tân gia, nhiều người nghĩ tôi sẽ ở nhà đó. Nhưng thực chất, tôi vẫn tìm khách để bán lại. Tôi chỉ xây nhà bán khi thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, còn khi sốt, tôi đầu tư đất nền", anh T cho hay.
Theo nhà đầu tư này, quan điểm đầu tư và thụ hưởng cuộc sống của mỗi người khác nhau. "Có nhiều nhà đầu tư, mới thắng vài lần đã nghĩ đến thụ hưởng, mua nhà mua xe, còn tôi thì quan điểm "sống không thụ hưởng sớm", cứ có tiền là bỏ hết vào BĐS. Dù không thiếu tiền, tôi vẫn ở nhà thuê. Cứ bỏ tiền vào BĐS vài năm hoặc có khi cả 5 năm, 10 năm, đến khi tài sản nhân gấp đôi, gấp ba, bán ra tôi sẽ xây một dinh thự hoành tráng, lúc đó tôi sống hưởng thụ thôi, không bon chen nữa", anh T chia sẻ.
Anh T còn cho biết thêm, nếu có tiền mà thụ hưởng sớm, chẳng hạn như xây nhà ở liền thì bản thân sẽ mất đi phần vốn làm ăn. Chưa kể, mình làm kinh doanh (mở công ty môi giới BĐS) chẳng hạn, nếu ngưng một năm là bạn bè trong giới kinh doanh vượt mặt nhanh lắm.
Được biết, là nhà đầu tư có kinh nghiệm, anh T thường "bỏ tiền" vào BĐS ở các khu vực "manh nha" thông tin về hạ tầng, giao thông. Có thể thông tin đó mất nhiều năm để hình thành nhưng do có tiền nhàn rỗi, nên anh chờ đợi. Mỗi lần hạ tầng, giao thông khu vực đó hiện hữu hoặc có chủ trương đầu tư, BĐS của anh T "nhảy giá" vài lần so với giá mua vào.
Theo nhà đầu tư này, thực chất không phải đầu tư chỗ nào, thời điểm nào cũng "thắng" hết. Có những tài sản anh mua nhưng không lên giá, khó bán. Tuy nhiên, nhìn chung, việc đầu tư BĐS của anh những năm qua khá tốt, nên số tiền lời từ đầu tư BĐS trở thành dòng tiền nhàn rỗi, anh T lại tái đầu tư và bỏ vào việc kinh doanh. "Nói thật, có khi chỉ cần lời 2 mảnh đất là anh có thể sống dư giả cả năm, hoặc mua thêm được tài sản. Cho nên, gắn bó với BĐS cũng đã 7 năm qua và tôi cũng chưa có ý định dừng lại", anh T chia sẻ.