Sáng 26-7, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát tình hình thực hiện Luật nhà ở trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1-1-2016 đến 31-12-2021.
Được khuyến khích cởi mở nói hết những bất cập, ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành (một trong những đơn vị tâm huyết làm nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM) - nêu ra hàng loạt bất cập, nhiêu khê về cơ chế, quy trình, thủ tục mà doanh nghiệp phải gánh chịu khi làm dự án nhà ở xã hội.
"Việc làm nhà ở xã hội càng gỡ càng rối", ông Nghĩa nói thẳng.
Dẫn chứng một dự án nhà ở xã hội Công ty Lê Thành đã mất 3 năm chưa xong thủ tục đầu tư, ông Nghĩa cho hay theo quy định hiện nay, hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư được nộp một cửa tại Sở Kế hoạch - đầu tư.
Nghe thì mừng nhưng khi làm doanh nghiệp phải chuẩn bị 11 hồ sơ để Sở Kế hoạch - đầu tư gửi cho 11 cơ quan có ý kiến, và chỉ một cơ quan không đồng thuận là "dự án chết".
"Lúc trước chúng tôi đi làm việc trực tiếp từng cơ quan, nếu cơ quan nào đó yêu cầu bổ sung, điều chỉnh gì thì doanh nghiệp còn biết để điều chỉnh, nay nộp chung vào không biết cơ quan nào có ý kiến không đồng thuận và vướng điểm nào để doanh nghiệp còn tháo gỡ. Việc này rất mất thời gian", ông Nghĩa nêu khó khăn.
Ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành - phát biểu tại buổi giám sát - Ảnh: TIẾN LONG
Hay việc miễn tiền sử dụng đất, ông Nghĩa cho hay cũng là "câu chuyện đau đầu, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp".
Theo đó, luật quy định miễn 100% tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội. Thay vì áp dụng ngay quy định để miễn tiền cho doanh nghiệp, hiện nay cơ quan chức năng lại mất một thời gian dài làm các thủ tục tính ra số tiền sử dụng đất doanh nghiệp phải đóng, sau đó mới ra quyết định miễn tiền sử dụng đất.
Chưa kể, doanh nghiệp bỏ tiền mua đất theo giá thị trường nhưng tiền sử dụng đất lại được hoàn trả theo bảng giá đất.
Tổng giám đốc Công ty Lê Thành còn nêu ra hàng loạt hạn chế trong việc nghiệm thu dự án, xét duyệt đối tượng, quy định kiểm soát lợi nhuận của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… Những thủ tục, quy trình nhiêu khê, khiến doanh nghiệp nản lòng.
"Tại sao chúng ta không nghiên cứu để gộp các thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục xét duyệt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp? Tính riêng một dự án nhà ở xã hội chúng tôi dự kiến đầu tư nếu triển khai đã có 1.500 căn nhà ở xã hội, khi đó TP chỉ cần huy động thêm một số doanh nghiệp nữa cùng đầu tư đã có số lượng căn hộ nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra", ông Nghĩa nói.
Nói về việc các sở, ngành "ngâm" hồ sơ, chậm trả lời, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho biết trước đây chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở ngành, quận huyện nêu nếu quá 15 ngày đơn vị được xin ý kiến nhưng không trả lời thì coi như đồng ý với ý kiến của đơn vị xin ý kiến.
Tuy nhiên, các sở ngành, quận huyện "không dám thực hiện" việc này và vẫn ngồi chờ trả lời, trong khi doanh nghiệp nóng ruột vì "mỗi ngày chờ là một ngày phải trả lãi ngân hàng, gánh nặng đầu tư càng đè nặng".