Dịch bệnh kéo dài phức tạp, nhiều chủ villa, farmstay giảm giá sâu, chỉ mong khách đến ở cho vui. |
Dịch bệnh kéo dài phức tạp khiến nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort lâm vào thế khó khi không thể đón khách. Thế nhưng, không vì thế mà lùi bước, nhiều chủ villa, farmstay vẫn tìm đủ mọi cách hút khách để duy trì hoạt động.
Theo đó, các farmstay đã mời khách về trải nghiệm, nghỉ ngơi tránh dịch trong thời gian dài từ 1 tuần đến nửa tháng hay cả tháng với mức giá cực kỳ ưu đãi chỉ chưa đến nửa giá như trước.
Chia sẻ với PV Infonet, chị Vũ Tuyết, một chủ khu Hani villa ở Phú Quốc cho hay, mô hình nhà bungalow của chị đã kinh doanh được 6-7 năm, còn khu villa có 2 căn mới xây dựng và vận hành chưa được một năm thì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Bình thường khi chưa có dịch thì hầu như lúc nào khách đến nghỉ tại các căn villa và bungalow đều kín từ tháng 11 đến tháng 4 là khách nước ngoài; từ tháng 5 trở đi lại đón khách du lịch trong nước đi nghỉ dưỡng dịp hè rất đông. Nhưng năm nay do dịch bệnh nên những booking cho dịp hè đều phải hủy vì khách ở vùng cách ly, phong tỏa không thể đi được”, chị Tuyết buồn rầu nói.
Theo chị Tuyết, với trên 20 bungalow và 2 căn villa rộng thênh thang, mỗi tháng chị Tuyết phải mất gần 100 triệu đồng tiền chi phí điện nước và trả cho nhân viên để duy trì hoạt động, dù không có khách.
Lác đác có vài khách đi phượt hoặc khách bỏ phố ra đảo thay đổi không khí…, hầu nwh không có nguồn thu, chị Tuyết phải dùng đến quỹ dự phòng để trang trải cho khoản lỗ hàng tháng.
Chị Tuyết đơn cử, nếu căn villa có 3 phòng ngủ, có bể bơi riêng, trước đây cho khách thuê mỗi đêm giá từ 3,8 – 4 triệu đồng/căn thì nay giảm giá chỉ còn hơn 1 triệu đồng/đêm/căn. Hay khu bungalow trước giá thuê từ 700-800.000 đồng/phòng/đêm thì nay giá chỉ còn 200 – 300.000 đồng/phòng/đêm.
“Với mức giá ấy, tôi chỉ mong khách đến ở để cho vui, cho phòng thơm tho thôi chứ hầu như không có lợi nhuận bởi chi phí điện, nước ở trên đảo thường đắt hơn so với đất liền.
Tôi giảm giá để những khách nào ở vùng chưa có dịch bệnh hoặc sinh viên đi thực tập, muốn trải nghiệm, nghỉ hè ở đảo thì có thể đặt. Khi ở, khách có thể tự đi chợ nấu ăn, đi đảo chơi hoặc có thể ăn cùng chủ nhà luôn. Nếu khách tự nấu ăn thì sẽ tặng cả gas đun nấu”, chị Tuyết nói.
Có chủ farmstay lại nảy ý tưởng phát triển dịch vụ cho nhóm khách có cùng sở thích để phù hợp với mọi thời điểm, kể cả mùa dịch. |
Cũng có một khu farm rộng 3 ha ở Tà Nung (Đà Lạt, Lâm Đồng), chị Trần Thị Ngọc Mai – chủ khu Bản Yên farm đã có những kế hoạch, hướng đi phát triển khu farm của mình rất riêng so với các khu khác nên vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Tuy nhiên, thời điểm này chị cũng đang phải tạm ngưng đón khách trước những quy định về phòng chống dịch và điều đặc biệt ở farm của chị Mai là không tiếp khách lưu trú thông thường.
Chia sẻ với Infonet, chị Mai cho hay, chị có kế hoạch phát triển mô hình co-living - mô hình sống hiện đại với những không gian chung được chia sẻ bởi nhóm người có cùng sở thích.
Những khách đến farm sẽ được tận hưởng mọi thú vui do thiên nhiên đem đến; cùng nhau chia sẻ lịch nấu ăn, chạy bộ và thăm thú chung quanh…. Là nơi dành cho người muốn tìm về cuộc sống nông thôn nhẹ nhàng, trút bỏ các áp lực cuộc sống.
Số lượng tham gia chương trình hạn chế 6-8 người mỗi lần, thế nhưng lượng khách đăng ký tham gia lần nào cũng quá tải. Những đợt dịch trước, khi chưa có lệnh giãn cách, nhiều nơi không tiếp khách lưu trú được nhưng farm của chị Mai vẫn có thể tổ chức được chương trình này bởi số lượng người tham gia chương trình không quá đông. Mỗi khách sẽ được khai báo y tế rõ ràng.
Tuy nhiên, thời gian qua khi tình hình dịch bệnh căng thẳng hơn, chị Mai lại tiếp tục điều chỉnh chương trình ở farm của mình để vừa thu hút khách tham gia, vừa đảm bảo an toàn chống dịch.
Một ý tưởng mới được đưa ra, chỉ tuyển 2 hoặc 3 khách đến sống chung, giống như người nhà tại farm. Khách sẽ được tham gia chương trình theo lịch trình cụ thể như sáng dậy sớm uống mật ong gừng, tập yoga, ăn sáng rồi đi làm vườn…
Sau khi chương trình được giới thiệu, chị Mai không ngờ lượng khách liên tục gọi điện đến tham gia và tổng lượng khách đăng ký lên đến hơn 100 người.
Tuy nhiên, cuối cùng chị Mai đã không nhận bất cứ một vị khách nào, chương trình phải tạm hoãn hết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; chỉ khi nào tình hình dịch được kiểm soát ổn định chị mới nhận khách trở lại.
Theo chia sẻ của chị Mai, trước đây chị mới nhận khách theo kiểu “retreat” – tức là mô hình khu nghỉ dưỡng hướng mục tiêu đem đến cho khách hàng một không gian riêng để “rút lui” khỏi những căng thẳng, áp lực cuộc sống hàng ngày.
Còn mô hình phục vụ nhóm khách cùng sở thích mới manh nha trong ý tưởng, nhưng đến đợt dịch này chị mới thấy thực sự hợp lý bất cứ lúc nào, kể cả mùa dịch và đây sẽ là ‘con đường dài’ phát triển của farm. Hơn nữa, theo chị Mai, khách sẽ ở theo tuần, theo tháng thì mức phí rẻ hơn khoảng một nửa so với lưu trú theo ngày.