Đó là thông tin được các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo "Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0" do Tạp chí Mekong ASEAN, cơ quan của Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt nam – ASEAN tổ chức chiều 17/6 tại Hải Phòng.
Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế phát biểu về lực đẩy cho phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thủy Chung - Đại diện Tạp chí Mekong ASEAN cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.
Đây là một trong những nội dung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hoàn thiện khung chính sách phát triển KCN sinh thái
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn. Trong xu thế đó, chính sách phát triển các Khu công nghiệp sinh thái, chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và đầu tư): “Phát triển KCN sinh thái sẽ có lợi ích rất lớn từ vi mô tới vĩ mô, từ doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý nhà nước. Với doanh nghiệp, việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nguyên liệu, vận dụng công nghệ có thể giúp tiết kiệm các loại chi phí sản xuất, giảm sử dụng các nguồn năng lượng mới. Còn ở góc độ KCN sẽ góp phần kết nối và tăng thêm năng lực cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn đầu tư xanh. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đây là biện pháp hữu hiệu giảm rác thải, giúp Chính phủ tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý các hoạt động CN và KCN theo hướng bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường”.
Bà Hiếu cho biết thêm, hiện nay, cả nước có 4 mô hình KCN sinh thái đang triển khai, tác động trên cả 3 cấp: Thể chế chính sách; KCN và doanh nghiệp. Kết quả đạt được đáng ghi nhận đó là khái niệm KCN sinh thái và cộng sinh công nghiệp lần đầu được thể chế hóa trong văn bản pháp quy ở cấp Nghị định.
Định hướng từ nay tới 2023, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ hoàn thiện quy định về KCN sinh thái trong Nghị định 35; lồng ghép một số nội dung về KCN sinh thái trong kinh tế tuần hoàn và khuyến khích chuyển đổi sang mô hình này; xây dựng các giải pháp cộng sinh công nghiệp, hỗ trợ các giải pháp tài chính thực hiện biện pháp chuyển đổi…
Bắt nhịp xu hướng nền kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ về khung chính sách, pháp luật cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định, kinh tế tuần hoàn được nổi lên là cách tiếp cận của nhân loại một cách toàn diện nhất và để tìm hiểu về khái niệm này cần xem xét ở 3 cấp độ. Cấp vĩ mô xem xét kinh tế tuần hoàn ở cấp quốc gia, đô thị, vùng, địa phương; Cấp trung gian xem xét kinh tế tuần hoàn với góc độ cộng sinh công nghiệp; Cấp vi mô xem xét ở cấp độ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; Cấp sản phẩm xem xét đến mức độ tuần hoàn của từng sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm.
“Mô hình kinh tế tuần hoàn mang tính khuyến khích, do đó trong thủ tục cần thực hiện để xã hội xác nhận kinh tế tuần hoàn nhưng không hành chính hóa việc này. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước không có quy định rõ ràng nhưng tiệm cận sang các quy định, điều khoản khác có dáng vóc của kinh tế tuần hoàn để được hỗ trợ lãi suất, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, ưu đãi thuế, đất đai…Qua nghiên cứu, có 10 hoạt động về bảo vệ môi trường có liên quan đến kinh tế tuần hoàn và hưởng ưu đãi từ chính sách”. Cũng theo ông Toản, Hiện Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2023 với kỳ vọng sớm gặt hái được thành công về mô hình kinh tế tuần hoàn.
Ông Mai Thế Toản, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách và tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Nghị định 35
Với vai trò là KCN tiên phong đầu tiên ở Việt Nam xây dựng thành công Khu công nghiệp sinh thái theo các tiêu chí của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/05/2018 của Chính phủ, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền chia sẻ: Thực tế, các nhà đầu tư khi tìm đến các Khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu đều mong muốn được vào Khu công nghiệp sinh thái.
Nam Cầu Kiền là KCN theo mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng năng lượng tái tạo nhằm quản lý, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng bền vững. Nam Cầu Kiền đã xây dựng 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau cùng tăng lợi ích cho từng doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền phát biểu tại sự kiện
“Nam Cầu Kiền áp dụng 8 tiêu chí theo Nghị định 82 nhưng với Nghị định 35 vừa ban hành còn thiếu tiêu chí: số liệu thống kê sử dụng tài nguyên. Đây là điểm tiến bộ của Nghị định, doanh nghiệp chuyển đổi số để sử dụng tài nguyên tốt hơn. Về Nghị định 35 mới về phát triển Khu công nghiệp sinh thái, tôi đề xuất quy trình có 6 Bộ thẩm định, đưa ra tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp nhanh chóng có cơ sở để thực hiện", ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.