Phân khu nhà ở phù hợp từng khu vực tại TP Thủ Đức

Đó là chia sẻ của đại diện Sở Xây dựng TP HCM liên quan đến định hướng nhà ở cho TP Thủ Đức.

Sẽ có các khu nhà ở phù hợp với từng khu vực tại TP Thủ Đức

Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, TP Thủ Đức được thành lập dựa trên việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, thuộc phạm vi 12 quận nội thành phát triển. Do đó, khi TP Thủ Đức ra đời vẫn phải đảm bảo bài toán phát triển nhà ở, tạo động lực mới để phát triển nhà ở trong thời gian tới.

"Lõi của TP Thủ Đức sẽ có ba trung tâm động lực chính là Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia và khu đô thị Thủ Thiêm. Theo đó, sẽ có các bài toán nhà ở phù hợp với từng khu vực" - ông Hồ cho biết.

Cụ thể, theo ông Hồ, KĐT mới Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch phát triển các loại hình nhà ở cao tầng vì giáp trung tâm quận 1; Khu công nghệ cao sẽ phát triển các loại hình nhà ở cho chuyên gia, công nhân có chất lượng cao, có tác phong công nghiệp và những khu nhà ở có thể nghỉ dưỡng, sinh thái hoặc đô thị thông minh.

Và với khu vực lõi xung quanh đại học Quốc gia sẽ là nhà ở cho sinh viên, giáo viên, công chức và những khu đại học sẽ phát triển trong tương lai.

Ngoài ra, trung tâm của TP Thủ Đức là phường Trường Thọ cũng sẽ được quy hoạch lại trên cơ sở sắp xếp các quỹ đất trống như Xi măng Hà Tiên, cảng Trường Thọ… để phát triển thành các trung tâm mới.

"Rút kinh nghiệm về bài học phát triển nhà ở của các giai đoạn trước, việc phát triển nhà ở cần phải dựa trên việc đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tránh trường hợp hạ tầng chưa có, khi nhà ở mọc lên sẽ gây quá tải lên hạ tầng hiện hữu, kẹt xe, ngập nước" - ông Hồ cho biết.

Trước đó, ngày 01/01/2021, Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM chính thức có hiệu lực.

TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2021 trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9 và Thủ Đức.