“Nếu có chung cư hãy bán chung cư vì giá căn hộ sẽ không thể tăng. Thay vào đó, dùng tiền để đầu tư đất nền vùng ven, ăn theo Vành đai 4. Nếu mua đất nền ven đường Vành đai 4, chắc chắn 2-3 năm nữa, giá tăng gấp 2, gấp 3”. Đó là những lời kêu gọi của một số nhà đầu tư trong nhóm diễn đàn đầu tư bất động sản mà chị T.T đọc được hơn 2 năm trước.
Chị T.T nhớ lại, thị trường Hà Nội của hơn 2 năm trước là cơn sốt đất vùng ven, là mua lô đất 800 triệu đồng, chưa đầy nửa năm sau, tăng lên 2 tỷ đồng. Đó cũng là thời điểm mà làn sóng đổ tiền vào đất nền tại Sóc Sơn “ăn theo” đường Vành đai 4 tăng mạnh.
Trong nhóm đầu tư đó, chị T.T thấy có rất nhiều người chia sẻ về việc bán chung cư, bán nhà trong ngõ để mua đất nền Sóc Sơn. Không chỉ vậy, cũng có không ít người kể lại, họ mua lô đất từng có giá 500.000 đồng/m2, đang tăng lên tới 2 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi tăng lên 4 triệu đồng/m2.
“Trước đó, tôi cũng mua 4 lô đất, 3 lô ở Hoà Bình, một lô ở Thạch Thất, Hà Nội. Thời điểm mua rải rác từ năm 2018 đến năm 2021. Đến năm 2021, mỗi lô trung bình đều lãi. Lô lãi thấp nhất là 50%, lô lãi nhiều nhất là 300%”.
Những thương vụ mua bán đất đều tăng giá cao là động lực khiến chị T.T quyết định bán căn chung cư đang ở vùng ven, gom tiền tiết kiệm, sử dụng đòn bảy tài chính để đầu tư thêm 3 lô đất ở Sóc Sơn. Trung bình, mỗi lô đất ở Sóc Sơn có giá từ 1-1,5 tỷ đồng. Tổng khoản tiền vay ngân hàng lên tới 3 tỷ đồng.
Sau đó, chị T.T lựa chọn đi thuê căn hộ ở trung tâm Hà Nội với giá 15 triệu đồng/tháng. Chị T.T cũng đầu tư cho 2 con sang trường quốc tế học với chi phí trung bình 10-15 triệu đồng/tháng.
Mọi dự tính đều vỡ lở khi những lô đất không thể thanh khoản. Lãi ngân hàng gia tăng. Trung bình, mỗi tháng, chị T.T gồng khoản gốc lãi lớn lên tới hơn 30 triệu đồng. Trong khi, toàn bộ thu nhập của cả gia đình đến từ khoản lương 45 triệu đồng của chồng.
Đến giữa năm 2023, sau thời gian gồng gốc lãi ngân hàng cho khoản vay hơn 3 tỷ đồng, trong khi thu nhập và chi phí dòng hàng tháng không có. Chị T.T buộc phải bán xe ô tô.
Tháng 8/2023, chị T.T chuyển trường học cho con từ trường quốc tế sang trường công lập. Để tối giản chi phí, chị T.T cũng phải chuyển căn nhà đang thuê với giá 15 triệu đồng/tháng sang căn hộ vùng ven với giá 6 triệu đồng/tháng.
“Chỉ vì quyết định bốc đồng, không dự tính đến rủi ro và có khoản tiền dự phòng lâu dài, tôi mắc kẹt vì đầu tư bất động sản”, chị T.T nói.
Theo anh Trần Minh, CEO doanh nghiệp địa ốc đến từ Hà Nội, thời điểm sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư bán nhà ở, bỏ tiền vào đất tỉnh, đất vùng ven. Họ sử dụng đòn bảy tài chính. Khi sốt đất đi qua, dù đất được định giá lãi theo lần nhưng thực tế, không bán được. Tức nhà đầu tư không có lãi. Đó là lý do mà nhà đầu tư ôm nhiều tài sản nhưng vẫn sống chật vật.
Vị này khuyến nghị: “Thị trường luôn có tính chu kỳ, có lên, chắc chắn có xuống. Nhà đầu tư tay ngang không nên chạy theo đám đông hay lời hô hào của một số nhà đầu tư khác. Trong đầu tư, thứ nhất, phải đảm bảo nguyên tắc có dự phòng cho bản thân như khoản tiền cho sinh hoạt cơ bản của cả gia đình. Thứ hai, sử dụng đòn bảy tài chính hợp lý”.
Anh Trần Minh cũng cho rằng, thị trường còn nhiều khó khăn. Dự kiến, đất nền vùng ven khó khởi sắc. Thế nên, người “ôm” đất khu vực này cần có bài toán tài chính cụ thể.