Nỗi lòng chủ doanh nghiệp BĐS giữa mùa dịch: “Nhân viên không quay lưng khi công ty khó khăn, thì doanh nghiệp cũng quyết không để họ đói kém”

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở Tp.HCM tiết lộ, mặc dù hiện nay tình hình nhiều doanh nghiệp vô cùng khó khăn, nhưng đa phần chủ doanh nghiệp vẫn cố gồng gánh để không giảm thu nhập của cấp dưới.

Dịch Covid-19 càng ngày càng diễn biến phức tạp trên khắp các tỉnh thành. Riêng tại Tp.HCM, hiện đã hơn một tháng toàn thành phố áp dụng theo chỉ thị 16 và chỉ thị 16 tăng cường, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều ngưng hoạt động. Ghi nhận tình hình chung, các sàn giao dịch đều đóng cửa hoặc chỉ hoạt động cầm chừng qua kênh online, các công trường im ắng, hàng loạt dự án ngưng bán hàng, doanh nghiệp bất động sản bất kể lớn nhỏ đều làm việc giãn cách tại nhà.

Khó khăn chung của toàn thành phố cũng là khó khăn chung của các chủ doanh nghiệp khi phải gồng gánh hàng trăm ngàn nhân viên. Với mỗi doanh nghiệp có từ 200 nhân sự trở lên, nguồn quỹ lương phải chi hàng tháng không hề nhỏ, thậm chí có những doanh nghiệp lớn có đến hàng ngàn sales thì chỉ riêng khoản tiền lương phải chi mỗi tháng cũng lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường đóng băng, doanh nghiệp không thể hoạt động, "thu không đủ bù chi" là điều không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, trong xu thế này tình trạng doanh nghiệp giảm thu nhập của người lao động không đáng là bao. Theo ghi nhận, hiện nay đa số các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn vẫn giữ nguyên mức thu nhập cho nhân viên, hoặc mức giảm chỉ rất nhỏ từ 10-20% nhằm để chia sẻ một phần khó khăn của công ty trong lúc này. 

Nhiều doanh nghiệp chọn cách gồng lỗ, hoặc dùng nguồn quỹ dự phòng từ các năm trước để sử dụng. Thậm chí, một số công ty dù cho nhân viên có đề nghị được giảm thu nhập để cùng công ty vượt qua khó khăn, nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn quyết giữ nguyên thu nhập của người lao động.

Nỗi lòng chủ doanh nghiệp BĐS giữa mùa dịch: “Nhân viên không quay lưng khi công ty khó khăn, thì doanh nghiệp cũng quyết không để họ đói kém” - Ảnh 1.

Anh L.T.L., lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn Tp.HCM cho biết, mặc dù thời gian qua tình hình kinh doanh của công ty vô cùng khó khăn. Tuy nhiên anh L. vẫn quyết không giảm thu nhập của cấp dưới, cố gắng cầm cự bằng mọi cách. Bởi theo anh L.,, khó khăn hiện đang là tình hình chung. 

Phía sau người lao động còn là cả gia đình của họ. Ở công ty anh L., nhiều người có vợ mang bầu, bố mẹ già đang đau yếu, nếu chẳng may bị giảm thu nhập thì cuộc sống của cả gia đình cũng sẽ bấp bênh theo. Hiểu được điều đó nên thời gian qua, mặc dù nhiều tháng liền công ty không có nguồn thu nhưng anh L.vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập cho hơn 70 nhân sự, quyết không cắt giảm.

"Tôi nghĩ mỗi người cùng nhau cố gắng một chút thôi sẽ tạo ra được nhiều phép màu. Trong mấy tháng qua, dịch bệnh thật sự đã tạo ra rất nhiều áp lực cho các doanh nghiệp bất động sản, lại thêm những khó khăn từ việc khan hiếm quỹ đất, ảnh hưởng pháp lý khiến thị trường gần như đóng băng. 

Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp chọn cách cắt giảm nhân sự, giảm thu nhập của người lao động. Trừ những công ty đã quá cạn kiệt về tài chính buộc họ phải chọn cách đau lòng này, còn lại tôi nghĩ tất cả lãnh đạo doanh nghiệp đều mong muốn nhân viên của họ được no đủ dù cho thị trường có khó khăn mấy đi chăng nữa.

Từ sau Tết, biết công ty khó khăn nên nhiều bạn trong công ty cũng nhắn tin, email cho tôi ngỏ ý được giảm thu nhập của bản thân xuống để hỗ trợ với công ty lúc khó khăn, nhưng tôi không đồng ý. Tôi vẫn còn cố gắng được, ngoài việc dùng nguồn quỹ dự phòng của công ty, thì những khoản thu khác từ các công việc ngoài vẫn đủ để cầm cự thêm 4-5 tháng tới. Tôi nghĩ, lúc công ty thịnh vượng là nhờ vào nhân viên rất nhiều, lúc công ty khó khăn nhân viên cũng không rời bỏ thì giờ họ khó khăn doanh nghiệp không thể quay lưng", anh L. trải lòng.

Thực tế đó không chỉ diễn ra ở công ty của anh L., mà đa phần công ty bất động sản hiện nay đều đang cố gắng giữ nguyên thu nhập của nhân viên, hoặc chỉ giảm xuống rất ít. Một số doanh nghiệp thay vì giảm thu nhập để bù lỗ với công ty, thì họ để nhân viên tự nguyện được đóng góp chút ít trong phần lương của mình để hỗ trợ cùng cộng đồng chống dịch Covid-19.

"Hơn 2 năm qua dù cho nhiều lúc công nợ có bủa vây, nhưng chúng tôi chưa phải chậm hay trễ 1 ngày lương hoặc hoa hồng của toàn bộ nhân viên. Đó là điều mà tôi luôn nỗ lực cố gắng thực hiện, dù cho đôi lúc nó là áp lực thật lớn. Doanh nghiệp có rủi ro của doanh nghiệp, không thể bắt anh em của mình phải chịu rủi ro từ lỗi của cá nhân mình. Và trong mùa dịch này, tôi cũng đã liên tục chi lương và hoa hồng sớm hơn rất nhiều ngày cho hơn cho các anh em nhân viên. Hy vọng những cố gắng này sẽ tiếp động lực cho các bạn trong tâm bão của dịch Covid-19", lãnh đạo một doanh nghiệp khác trên địa bàn Tp.HCM tiết lộ thêm.