Nở rộ làn sóng kêu gọi chung vốn đầu tư farmstay trên mạng, cẩn trọng “tiền mất tật mang”

Cùng với sóng “bỏ phố về rừng” nở rộ, mô hình kêu gọi góp vốn chung cũng diễn ra sôi động trên nhiều diễn đàn mạng xã hội. Theo quảng cáo. chỉ với khoản tài chính từ 50-200 triệu, những nhà đầu tư tay ngang đã có thể trở thành đồng chủ nhân của farmstay rộng lớn.

"Tìm đối tác góp vốn chung cho mảnh đất 14ha. Quỹ đất này được dự kiến làm trang trại sầu riêng, kết hợp farmstay nghỉ dưỡng. Thông tin như sau, đất có sổ pháp lý đầy đủ, tại huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Mặt đường nhựa 10m dài gần 200m, có điện, có view hồ lớn tuyệt đẹp hơn 1.000m để làm du lịch. Đất đỏ bazan, có sẵn 3ha bưởi da xanh, còn lại là điều, đều đang thu hoạch chính" – đó là những dòng kêu gọi góp vốn từ một thành viên có tên facebook là Q.T trên nhóm "bỏ phố về rừng".

Nở rộ làn sóng kêu gọi chung vốn đầu tư farmstay trên mạng, cẩn trọng “tiền mất tật mang” - Ảnh 1.

Hình ảnh kêu gọi đầu tư chung. (Ảnh chup màn hình)

Cũng trong nhóm này, một thành viên khác có tên T.H vừa kêu gọi 200 thành viên cùng sở hữu farmstay chung. Đưa ra lý do nên sở hữu chung farmstay, T.H so sánh giữa việc tự sở hữu một trang trại với mô hình góp vốn.

Cụ thể, nếu sở hữu một trang trị, chi phí mất tới 10 tỷ đồng/mảnh đất cho quỹ đất có view hồ. Tuy nhiên, an ninh không an toàn, xây dựng tốn kém, chi phí vận hành lớn, về ở 1 mình cô độc, lao động quá mệt và vất vả. Trong khi đó, nếu 200 người chung xây dựng một trang trại 10-15 tỷ, cùng đứng tên sổ đỏ, được dùng chung trang trại, an ninh bảo vệ vận hàng nhưng chi phí chỉ mất 50-200 triệu đồng/ người. Theo T.H, chi phí vận hành của dự án chung đầu tư trang trại giảm tới 90%.

Nở rộ làn sóng kêu gọi chung vốn đầu tư farmstay trên mạng, cẩn trọng “tiền mất tật mang” - Ảnh 2.

Ngoài kêu gọi trong các diễn đàn, anh S.K, một nhà đầu tư đến từ Hà Nội còn tìm kiếm đối tác trên chính tài khoản cá nhân của mình. Chia sẻ với PV, anh S.K cho biết, hiện anh đang có quỹ đất hơn 3000m2. Nhưng để xây dựng và biến quỹ đất này trở thành khu nghỉ dưỡng, homestay chi phí không nhỏ. Chính vì vậy, anh S.K muốn hợp tác chung với người cùng định hướng. "Chi phí góp tùy các nhà đầu tư. Quyền lợi nhận được sẽ theo thỏa thuận. Mỗi người có thể được 1 căn phòng để có thể kinh doanh homestay ngay trong trang trại này" – anh S.K nói.

Khảo sát của PV cho thấy, mô hình góp vốn đầu tư chung farmstay khá đa dạng, tuy nhiên tập trung chủ yếu vào các hình thức như chung vốn mua đất, góp vốn xây dựng farmstay hoặc homestay. Theo đó, những người góp vốn chung sẽ trở thành đồng sở hữu quỹ đất, được tận hưởng không gian nghỉ dưỡng của farmstay hoặc nhận được quyền kinh doanh từ căn homestay.

Bình luận về làn sóng kêu gọi đầu tư chung vốn xây farmstay, anh Trần Anh, lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội cho rằng, việc chung vốn là nhu cầu tất yếu, và diễn ra phổ biến trong giới đầu tư.

"Các nhà kinh doanh cũng thường hùn vốn mua đất khi vốn mỏng và muốn giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, điểm chung của các hội nhóm đầu tư bất động sản là sự quen biết, tin tưởng nhau dựa trên quá trình tìm hiểu. Còn đối với trường hợp tự phát kêu gọi đầu tư trên mạng xã hội, tôi cho rằng có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra. Vì thứ nhất, những nhà đầu tư đang kêu gọi đối tác chưa từng quen biết. Cơ sở niềm tin và cơ sở pháp lý rất mong manh trong trường hợp này" – anh Trần Anh nói.

Trong khi đó, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way khẳng định: đầu tư chung farmstay thông qua hình thức kêu gọi trên mạng xã hội có rất nhiều rủi ro. Vị luật sư này đưa ra 3 rủi ro lớn cho mô hình góp vốn chung này.

Thứ nhất, rủi ro về mục đích sử dụng đất, người đầu tư khi tham gia đầu tư vào những khu đất có thể là đất rừng, đất nông nghiệp, do đó khi xây dựng nhà, bể bơi, công trình xây dựng trên đất khác có thể không phù hợp với quy hoạch, mục đích sử dụng đất của thửa đất đó. Từ đó, việc xây dựng có thể bị đình chỉ, thậm chí là yêu cầu phá bỏ, khôi phục lại tình trạng ban đầu khiến nhà đầu tư đọng vốn, mất vốn.

Thứ hai, những thỏa thuận cá nhân với cá nhân tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp giữa các bên, đặc biệt khi pháp lý khu đất không thật sự rõ ràng. Từ đó, nhà đầu tư vướng vào vòng xoáy tranh chấp, đọng vốn và khó thu hồi được.

Thứ ba, rủi ro về kinh tế, thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển sau này. Ngay cả khi đại dịch Covid19 chấm dứt, việc khai thác kinh doanh cũng hết sức khó khăn do thiếu quy hoạch đồng bộ, thiếu kết nối với hạ tầng điện, đường, cấp thoát nước ... khiến việc khai thác có thể gặp rất nhiều khó khăn.