Đây là những dự án dân sinh không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà thúc đẩy phát triển giao thông công cộng, giải quyết hàng loạt câu chuyện về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân tại TP HCM.
6,5 triệu người dân được hưởng lợi
Đứng trên công trường cống ngăn triều Cây Khô, huyện Nhà Bè - một hạng mục thuộc dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1", ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam, chủ đầu tư dự án - hồ hởi nói: "Dù trải qua nhiều khó khăn như vướng mặt bằng, vốn và tổ chức thi công nhưng đến nay dự án đã đạt 87%-88% tiến độ. Công việc còn lại không nhiều, chủ yếu là xây kè xung quanh các cống, lắp đặt các van nhỏ, nếu huyện Nhà Bè bàn giao mặt bằng trong tháng 8 này thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 12".
Không chỉ kỳ vọng về tiến độ công trình mà ông Tiến tự tin cam kết chất lượng công trình này thể hiện rõ ở khâu lắp đặt 6/11 cửa van lớn tại các cống. Bởi theo ông Tiến, "trái tim" của dự án nằm toàn bộ ở những cửa van này, cả 6 cửa van đều lắp đặt trơn tru, không có bất kỳ sơ suất nào, việc lắp đặt được tính toán kỹ lưỡng với những chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm, nhiều thiết bị phải thuê từ nước ngoài mang về Việt Nam, cân đong đo đếm từng chút một bảo đảm chất lượng xây dựng và cơ khí phải song song nhau.
Một nhà ga ngầm thuộc tuyến metro số 1 đã hoàn thiện
Trên công trường lộng gió ở cống Cây Khô, mặc cho cái nắng rát da, nhiều công nhân, kỹ sư vẫn tất bật với công việc, nhà điều hành đã nên hình hài khá bắt mắt, chỉ còn xây tô và đưa trang thiết bị vào vận hành, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 này.
Anh Nguyễn Văn Thanh, công nhân thi công hạng mục này, hào hứng cho biết được làm việc cho một dự án lớn, chúng tôi rất tự hào, không chỉ học hỏi được nhiều kỹ thuật mới trong xây dựng mà còn được rèn luyện ý thức kỷ luật, sự chỉn chu để đáp ứng chất lượng công việc.
Đánh giá tầm quan trọng của dự án, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận Việt Nam chưa có dự án nào làm cống ngăn triều giảm ngập quy mô lớn như vậy, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trung ương cho cơ chế đầu tư, chúng ta phải học tập công nghệ tại nhiều nước, khi vận hành dự án sẽ đảm đương 4 nhiệm vụ, không chỉ ngăn triều giảm ngập tạo ra vùng đất - vùng nước ổn định cho TP HCM mà giúp kết nối du lịch, trở thành điểm "check in", học tập, tham quan của nhiều cơ quan, tổ chức, người dân trong nước.
Để dự án được khai thác, vận hành một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả, TP sẽ thực hiện nhiều đầu việc gồm đấu thầu chọn đơn vị quản lý vận hành, đồng thời kiểm tra, kiểm toán quá trình đầu tư, xây dựng và xác định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký kết trước đó.
Dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1" là dự án thủy lợi, thuộc Quy hoạch 1547 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai từ giữa năm 2016, tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng. Mục tiêu dự án là hỗ trợ ngăn triều cường và ứng phó tác động của biến đổi khí hậu (tháo mặn cho ruộng đồng, kênh rạch; điều tiết nước trong kênh rạch) cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP HCM.
Metro sắp có rồi!
Những ngày vừa chống dịch vừa đẩy mạnh việc thi công khiến sức nóng tại các công trường thi công của tuyến metro số 1 như "nóng" hơn.
Tại depot Long Bình (quận 9) và đoạn trên cao của dự án metro số 1, các hạng mục như trung tâm điều khiển, nơi bảo dưỡng, vị trí tàu dừng đỗ... dần hoàn thiện với hệ thống máy móc, thiết bị điện đang được tập kết. Tương tự, nhiều nhà ga trên cao của dự án cũng đang khẩn trương lắp đặt và hoàn chỉnh hệ thống cơ điện, thông tin tín hiệu cùng các trang thiết bị liên quan.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, đến nay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đạt gần 75% khối lượng công trình. Cụ thể, toàn bộ 19,7 km chiều dài tuyến từ ga Bến Thành đến depot Long Bình đã thông suốt từ tháng 2-2020; đến cuối tháng 4-2020, tầng B1 của ga ngầm Nhà hát Thành phố cũng cơ bản hoàn thiện, riêng các đoàn tàu do ảnh hưởng của dịch bệnh dự kiến quý III này sẽ từ Nhật Bản về Việt Nam vận hành thử ở đoạn Bình Thái - depot Long Bình. Công tác đào tạo lái tàu, xây dựng chính sách, khung pháp lý cho dự án… đạt 25% tiến độ. Trên website của Ban Quản lý đường sắt đô thị, những thông tin tích cực liên tục được cập nhật, từ việc tuyển kỹ thuật viên điều độ và trưởng ga tuyến metro số 1 đến những tin vui như người dân cấp tập bàn giao mặt bằng cho tuyến metro số 2. Tất cả như làn gió tươi mát khiến người dân TP càng tin tưởng hơn về tiến độ dự án tuyến metro số 1 sẽ về đích cuối năm 2021.
Ngắm công trình từ xa, ông Nguyễn Trung Dân, cán bộ hưu trí quận 1, tâm đắc nói: "Đây là công trình mang tầm vóc của một TP lớn, năng động, đi đầu cả nước. Người dân ở trung tâm TP đã gạt qua những bất tiện đi lại, những khó khăn trong kinh doanh để bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho tuyến metro tăng tốc về đích. Người dân mong chờ từng ngày đoàn tàu "lăn bánh" để được trải nghiệm, qua đó minh chứng cho một TP lớn mạnh, trưởng thành và không ngừng đổi mới.
Ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị, cho biết dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 là dự án giao thông trọng điểm đặc biệt quan trọng của TP, là trục giao thông xương sống giải quyết ùn tắc giao thông, kích thích phát triển đô thị dọc theo hướng chính của TP về phía Đông - Đông Bắc. Từ đó, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên với chiều dài 19,7 km gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao với 14 nhà ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao) được khởi công xây dựng từ tháng 8-2012. Vượt qua nhiều khó khăn về vốn, mặt bằng, đến nay thi công dự án đạt gần 75% khối lượng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong quý IV/2021.
Sắp khởi công tuyến metro số 2
Cùng với tuyến metro số 1 đang về đích, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) những tháng qua đang đẩy nhanh hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để khởi công trong năm nay.
Tuyến metro số 2 có tổng chiều dài 11,3 km ( 9,2 km đi ngầm và 2 km các đoạn trên cao, chuyển tiếp, đường dẫn vào depot). Toàn tuyến có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot tại Tham Lương, quận 12. Công trình đi qua 6 quận gồm 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú với tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng, ảnh hưởng 602 hộ dân trong đó 121 hộ phải di dời, số còn lại ảnh hưởng một phần.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, hiện đã ban hành quyết định bồi thường cho 590/602 hộ (đạt 97,8%), trong đó các quận 1, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%.