Nhức nhối vi phạm đất đai, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai

Mới đây một loạt cán bộ tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị đề nghị khởi tố do có liên quan đến vi phạm về đất đai. Qua đó, phần nào cho thấy sai phạm về đất đai, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai là vấn đề nóng. Nguyên nhân của sai phạm đất đai, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai là gì, và chỉ đạo khắc phục của lãnh đạo tỉnh ra sao?

Vi phạm nhiều, xử phạt chưa tương xứng

Theo báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, qua giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất đai, xây dựng trái phép giai đoạn 2018 – 2021, về trật tự xây dựng có 681 trường hợp vi phạm về sai phép, không phép, sai thiết kế được duyệt, tuy nhiên chỉ có 112 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành.

Ông Thái Bảo – Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai chỉ ra giữa vi phạm và việc ra quyết định xử phạt là chưa tương xứng. Về trật tự xây dựng, có 112/681 vi phạm được ra quyết định xử phạt. Như vậy, có tình trạng xác định vi phạm nhưng chưa ban hành quyết định xử phạt.

Nhức nhối vi phạm đất đai, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai - Ảnh 1.

Dự án Khu dân cư Bình Đa, TP. Biên Hòa có sai phạm đất đai đã bị khởi tố (Ảnh: Duy Phương)

Theo ông Bảo, huyện Nhơn Trạch có hàng trăm căn nhà xây dưới đường điện cao thế tại thị trấn Hiệp Phước, việc này diễn ra trong thời gian dài. Tại xã Vĩnh Thanh xảy ra tình trạng làm cầu, làm đường, xây nhà quy mô lớn trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất.

Còn tại TP. Biên Hòa, trên địa bàn phường Hóa An có vụ việc xây dựng nhà xưởng công nghiệp trên diện tích 2 ha được quy hoạch là đất thương mại – dịch vụ. Ở phường Phước Tân, nhiều biệt thự “khủng”, quy mô lớn xây dựng trên đất rừng sản xuất.

Ông Thái Bảo đặt vấn đề: "Qua giám sát ở các địa phương này, những vụ việc nổi cộm lên có cảm giác chúng ta biết hết nhưng có làm ngơ hay không? Có buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý thuộc trách nhiệm của địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở xã, phường?"

Xử lý công chức nếu không "ngay ngắn"

Kết quả giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho thấy, đối với lĩnh vực đất đai, có 599 trường hợp lấn chiếm đất công, kết quả đã xử lý được 15 trường hợp; sử dụng đất không đúng mục đích có 388 trường hợp, đã xử lý 214 trường hợp; 25 dự án vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, trong đó 10 dự án đã ban hành quyết định xử phạt.

Nhức nhối vi phạm đất đai, xây dựng tại tỉnh Đồng Nai - Ảnh 2.

Cụm công nghiệp Phước Tân, TP. Biên Hòa rộng 72ha có hàng chục nhà xưởng xây dựng trái phép (Ảnh: Duy Phương)

Ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết sai phạm về đất đai, xây dựng không thể chỉ nói là nghiêm trọng, mà là vấn đề nhức nhối. Có những nguyên nhân do lịch sử để lại, hoặc do quy định của hệ thống luật pháp chưa đồng bộ, còn chồng chéo, sơ hở.

Tuy nhiên, theo ông Cường, có nguyên nhân chủ quan. Tình trạng tăng dân số tạo nên sức ép về chỗ ở. Mặc dù vậy nhưng cũng không thể đổ hoàn toàn cho sức ép khi có trường hợp xây sai phạm diện tích lớn mà chính quyền cơ sở không biết.

Ông Quản Minh Cường nói: "Người lao động không có nhà ở, nhiều khi vì mưu sinh nên làm liều. Nhưng vấn đề rất lớn là nhận thức của từng cán bộ từ cơ sở cho đến từng ủy viên ban chấp hành, đều phải có ý thức trong vấn đề này".

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị 11 huyện, thành phố của tỉnh phải rà soát, chấn chỉnh lại về vấn đề sai phạm đất đai, xây dựng. Đồng thời, cấp ủy các địa phương phải ra chỉ thị trong đảng để thống nhất toàn đảng bộ nhằm thay đổi cục diện vấn đề. Theo ông Lĩnh, có chỉ thị mới xử lý được cán bộ. Lẽ ra chỉ cần pháp luật thôi đã phải “ngay ngắn”, nhưng giờ cán bộ nhờn pháp luật nên đảng phải ra tay.

Thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, không để phát sinh sai phạm mới. Các sai phạm cũ thì tiếp tục xử lý theo quy định. Ông Lĩnh nhấn mạnh xử phạt hành chính phải nghiêm minh, đảm bảo nghiêm túc, xử lý phải đủ mạnh thì mới đủ sức răn đe, ngăn chặn được vi phạm trên lĩnh vực này.

"Sai phạm của dân, của những pháp nhân chứ không phải sai phạm của công chức. Nhưng nếu công chức được phân công xử lý sai phạm mà không chuẩn chỉ thì công chức đó bị xử lý sai phạm. Nếu bắt tay để gây ra sai phạm thì phải hình sự luôn chứ không phải chỉ xử lý về đảng, xử lý về hành chính" - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Để giải quyết tận gốc vấn đề vi phạm lĩnh vực đất đai, xây dựng, tỉnh Đồng Nai cần có biện pháp mạnh tay, quyết liệt để thay đổi thực trạng quản lý đô thị còn chưa hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ và chấp hành nghiêm minh quy định của pháp luật./.